Gây thương tích cho nhiều người bị phạt tù bao nhiêu năm? Hình phạt khi phạm tội cố ý gây thương tích.
Gây thương tích cho nhiều người bị phạt tù bao nhiêu năm? Hình phạt khi phạm tội cố ý gây thương tích.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi trường hợp như sau: Chú tôi có bị cha con ông kia đánh,sau một thời gian chú tôi về rủ em tôi cùng 2 đứa cháu nữa chặn đường 3 cha con ông kia đánh lại,chú nói có chuyện gì chú tôi chịu hết. Theo cáo trạng em tôi cùng 3 người khác đánh người cha riêng em tôi đánh người cha 2 cái mũ bảo hiểm. Người cha bị thương tật 16% và ném 2 vỏ chai vào 1 người con bị tổn thương 02%. Người con còn lại bị thương tật 20%, chú tôi bị thương tật 36%. 2 bên đã bãi nại và chú tôi có bồi thường cho cha con họ 15 triệu đồng. Tòa ra quyết định xét xử em tôi cùng 3 người kia tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 (điểm a, c, e khoản 1) Điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Luật sư cho tôi hỏi em tôi ra tòa thì chịu hình phạt như thế nào? Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Trong trường hợp này, Điều 104 Bộ luât hình sự 1999 đã quy định cụ thể như sau:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dừng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo mình
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp này, căn cứ vào mức độ thương tật thì người cha bị thương tật 16%, hai người con lần lượt là 2% và 20% nên em bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Khoản 2 (Điểm a,c,e Khoản 1) Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 và mức hình phạt quy định là bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Tuy nhiên, Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc chú bạn đã bồi thường 15 triệu cho cha con họ rồi nên sẽ được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999:
b) Người phạm tội tự nguyện sử chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Ngoài ra nếu em bạn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì cũng sẽ được xem là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điểm q Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999.
Như vậy, theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự 1999 thì:
Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Tuy nhiên, tòa án cũng sẽ xem xét đến các tình tiết tăng nặng, theo quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Như vậy để xác định mức hình phạt cụ thể đối với em bạn cần căn cứ vào các tình tiết của vụ án.