Trách nhiệm pháp lý khi chồng có hành vi đánh đập vợ nhiều lần. Trách nhiệm pháp lý đối với người bị bạo lực gia đình.
Trách nhiệm pháp lý khi chồng có hành vi đánh đập vợ nhiều lần. Trách nhiệm pháp lý đối với người bị bạo lực gia đình.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, xin luật sư tư vấn giúp ạ. Em gái tôi lấy chồng tháng 12 năm 2015, khi lấy về nhà chồng thì luôn bị mẹ chồng nói xấu và phàn nàn với chồng trong khi e gái tôi sống đúng mực của nàng dâu. Nó bị đánh đập nhiều lần và có lần còn bị chồng nó tẩm xăng vào quần áo đốt cả người cả quần áo, nhưng em gái tôi dập lửa kịp nên không bị làm sao. Lần gần đây nhất là cách đây hơn tháng chồng nó đi uống rượu say về và cầm gậy đánh em tôi trong khi nó đang có bầu 7 tuần. Bố mẹ chồng nó đuổi nó ra khỏi nhà. Nó về nhà tôi và sống hơn 1 tháng nay. Chồng nó nhiều lần xuống nhà tôi xin lỗi nhưng em gái tôi không đồng ý quay lại sau đó hắn ta quay sang đòi tiền (tiền của hồi môn bố mẹ và anh em, bạn bè cho em gái tôi lúc cưới, vì chồng nó chơi bài bạc, đề đóm nên bố tôi có nói dối là cho bố tôi vay nhưng thật ra là để cất hộ em gái tôi) và lần gần đây nhất là cầm dao xuống nhà tôi chém vào cửa cổng gọi bố tôi ra để chém nhau nhưng nhà tôi khóa cửa cổng nên nó không làm gì được và ra về (trong quá trình sống chung chồng em gái tôi đã có nhiều lần hăm dọa là sẽ giết cả nhà tôi). Giờ hắn ta có mang đơn xuống tòa nhưng tòa không chấp nhận đơn ly hôn vì em gái tôi đang mang thai. Tôi xin hỏi trong trường hợp của e gái tôi thì phải giải quyết như thế nào ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
Điều 4: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Hành vi đánh đập của em rể bạn đối với em gái bạn là hành vi bạo lực gia đình, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính lên từ 1000.000 đồng đến 2000.000 đồng.
Thứ hai, gia đình bên nhà chồng còn có hành vi ngược đãi em gái bạn (em gái bạn đang mang thai) thì bị xử phạt hành chính từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng.
Tại Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
"1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ".
Thứ ba, gia đình bố mẹ chồng còn có hành vi nói xấu, đuổi con dâu thì còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình như sau:
Tại khoản 1 Điều 51 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt như sau: "Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình".
Thứ tư, nếu trường hợp đánh đập gây ra thương tích thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có quy định như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
Thứ năm, tại Điều 103 Bộ luật hình sự quy định về tội đe dọa giết người như sau:
"1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác".
Trong trường của bạn, nếu như người em rể có hành vi đe dọa giết người, và gia đình bạn xác định được hành vi này có thể xảy ra thì bạn trình báo đến cơ quan Công an, để cơ quan Công an điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, hành vi của gia đình em rể bạn là vi phạm quy định của pháp luật, bạn nên trình báo đến cơ quan Công an để họ tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp cưỡng chế nhất định để răn đe gia đình em rể của bạn. Trường hợp người vợ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng thì người chồng sẽ không được ly hôn đơn phương. Nếu trường hợp em gái bạn muốn ly hôn thì vẫn tiến hành ly hôn được.