Bộ luật lao động quy định người lao động cần phải được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất mới có thể làm việc với hóa chất nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho những người lao động và các doanh nghiệp. Dưới đây là các quy định về tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất.
Mục lục bài viết
1. Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất:
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng theo quy định của pháp luật tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất theo định kỳ hai năm một lần.
– Hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.
– Các chủ thể đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, cơ sở vật chất, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc.
+ Khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc.
+ Sau hai lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu.
+ Khi hết thời hạn hai năm từ kể từ lần huấn luyện trước.
– Các quy định về huấn luyện an toàn hóa chất tại Chương này không điều chỉnh đối với tổ chức, cá nhân hoạt động xăng dầu, dầu khí, vật liệu nổ công nghiệp; tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
2. Đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất:
Theo quy định của pháp luật, đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất bao gồm các nhóm sau đây:
– Nhóm 1 bao gồm các đối tượng sau:
+ Thứ nhất: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
+ Thứ hai: Cấp phó của người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất.
– Nhóm 2 bao gồm các đối tượng sau:
+ Thứ nhất: Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
+ Thứ hai: Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
– Nhóm 3 bao gồm:
Những người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.
3. Quy định đối với người huấn luyện an toàn hóa chất:
Người huấn luyện an toàn hóa chất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Người huấn luyện an toàn hóa chất phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.
– Người huấn luyện an toàn hóa chất phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc về an toàn hóa chất.
4. Nội dung tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất:
Nội dung huấn luyện phải phù hợp với tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của hóa chất tại cơ sở hoạt động hóa chất và vị trí làm việc của đối tượng được huấn luyện.
Cụ thể:
– Đối với người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương và cấp phó của người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất:
+ Những quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất, bao gồm: Yêu cầu về cơ sở vật chất, chuyên môn trong hoạt động hóa chất; trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép; khai báo hóa chất; phân loại, ghi nhãn hóa chất; đăng ký sử dụng hóa chất; đăng ký và quản lý hoạt động liên quan đến hóa chất mới; Phiếu an toàn hóa chất; lưu trữ thông tin hóa chất nguy hiểm; nghĩa vụ cung cấp và bảo mật thông tin; yêu cầu về lập, phê duyệt, xác nhận và thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; quy định về khoảng cách an toàn.
+ Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất (cơ sở).
+ Biện pháp về quản lý, kỹ thuật đảm bảo an toàn khi làm việc, tiếp xúc với hóa chất độc hại, nguy hiểm.
+ Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố hóa chất: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất; sơ đồ liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở.
+ Biện pháp phòng ngừa, loại trừ, khắc phục sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất; ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm và lan rộng ra môi trường; biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.
– Đối với các cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở và người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc:
+ Những quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất.
+ Các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất; phân loại, ghi nhãn hóa chất.
+ Quy trình quản lý an toàn hóa chất, kỹ thuật đảm bảo an toàn khi làm việc, tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm.
+ Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất.
+ Các giải pháp được dùng ngăn ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phương án phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở để ứng phó, khắc phục sự cố; giải pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm lan rộng ra môi trường; phương án khắc phục môi trường sau sự cố hóa chất.
– Đối với người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất:
+ Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất.
+ Biện pháp phòng ngừa, loại trừ, khắc phục sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất; ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm và lan rộng ra môi trường; biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.
+ Các hóa chất nguy hiểm thuộc phạm vi quản lý và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố: Tên hóa chất; đặc tính nguy hiểm; nhãn hóa chất; biện pháp phòng ngừa, xử lý, ứng phó khi có cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất; các thông tin về độc tính, ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường.
+ Quy trình pha chế, sử dụng hóa chất; quy định an toàn, quy trình vận hành, xử lý sự cố máy, thiết bị được giao.
+ Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc, trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp với vị trí công việc (bao gồm cả thiết bị phòng cháy và chữa cháy).
+ Quy trình ứng cứu khẩn cấp phù hợp vị trí công việc và cứu hộ, thoát nạn.
+ Phương pháp sơ cứu y tế, cấp cứu người bị nạn.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất được Chính phủ ban hành ngày 09/10/2017.