Quy định về nhân sự của phòng tổ chức cán bộ bệnh viện, trung tâm y tế. Phòng tổ chức cán bộ của bệnh viện có cần có bác sỹ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư. Xin Luật sư vui lòng giúp em có quy định nào phòng tổ chức cán bộ của bệnh viện hay trung tâm y tế nhất thiết phải có bác sỹ không. Và nếu có thì sao, không thì sao. Xin chân thành cám ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ khoản 5 Điều 23: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện Thông tư số 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh.
Điều 23: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện
5. Nhân sự:
a) Số lượng nhân viên hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa;
b) Định mức biên chế, tỷ lệ cơ cấu bộ phận, chuyên môn thực hiện theo quy định tạiKhoản 1, 2, 3 và 4 Mục II Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT – BYT – BNV ngày 05 tháng 6 năm 2007 của liên bộ: Bộ Y tế – Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước;
c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động;
– Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải được thể hiện bằng văn bản;
– Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
d) Trưởng khoa lâm sàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó;
– Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;
– Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
đ) Trưởng khoa khác phải đáp ứng các điều kiện sau:
Tốt nghiệp đại học và có thời gian làm việc tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm trưởng khoa. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;
– Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
e) Trưởng khoa dược là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện và phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 22/2011/ TT-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện;
g) Phẫu thuật viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Là bác sỹ chuyên khoa ngoại hoặc bác sỹ đa khoa có chứng nhận đào tạo chuyên khoa ngoại của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở lên hoặc trường đại học chuyên ngành y khoa hoặc tại Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế. Trường hợp được đào tạo ở nước ngoài, phẫu thuật viên phải có chứng nhận chuyên khoa;
– Có văn bản cho phép thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa của người đứng đầu bệnh viện theo đề nghị của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện;
h) Ngoài các đối tượng quy định tại Điểm c, d, đ, e và g Khoản này, các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
6. Phạm vi hoạt động chuyên môn:
Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo danh mục được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt.
Căn cứ vào Điều 12 Quyết định số 10/2007/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế
Điều 12. Trưởng phòng và tương đương
1. Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch bác sỹ chính hoặc tương đương trở lên (một số đơn vị đặc biệt có khó khăn về nhân lực phải là bác sỹ hoặc tương đương trở lên).
2. Trình độ chuyên môn: Bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên (các phòng Tổ chức Hành chính – Quản trị, Tài chính – Kế toán, Vật tư – Thiết bị y tế và một số đơn vị đặc biệt có khó khăn về nhân lực phải là bác sỹ hoặc tương đương trở lên).
3. Lý luận chính trị: Trung cấp trở lên.
4. Có chứng chỉ quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên trở lên hoặc chứng chỉ quản lý bệnh viện.
5. Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên.
Điều 13. Phó Trưởng phòng và tương đương
1. Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch bác sỹ hoặc tương đương trở lên.
2. Trình độ chuyên môn: Bác sỹ hoặc tương đương trở lên (các phòng Chỉ đạo chuyên khoa, quản lý Khoa học-Đào tạo, Kế hoạch tổng hợp, Quan hệ quốc tế phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên).
3. Lý luận chính trị: Trung cấp trở lên.
4. Có chứng chỉ quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên trở lên hoặc chứng chỉ quản lý bệnh viện.
5. Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên.
Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định trưởng phòng của phòng tổ chức – quản trị phải có điều kiện là bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên. Còn đối với chức vụ phó phòng và các chức vụ khác ở phòng tổ chức quản trị không có quy định của pháp luật là phải đáp ứng điều kiện là bác sĩ và được tuyển dụng theo Luật Viên chức năm 2010.
Căn cứ vào Luật viên chức năm 2010
Điều 20. Căn cứ tuyển dụng
Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 21. Nguyên tắc tuyển dụng
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.
Điều 22. Điều kiện đăng ký dự tuyển
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
c) Có đơn đăng ký dự tuyển;
d) Có lý lịch rõ ràng;
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
>>>
Điều 23. Phương thức tuyển dụng
Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Theo đó các vị trí khác trong phòng tổ chức-quản trị sẽ chỉ phái đáp ứng các điều kiện tuyển dụng theo quy định tại
Như vậy, đối với chức vụ là trưởng phòng tổ chức – quản trị pháp luật quy định phải đáp ứng điều kiện là bác sĩ. Còn đối với các vị trí khác trong phòng tổ chức – quản trị không có quy định của pháp luật phải đáp ứng điều kiện là bác sĩ.