Đã đưa tiền cấp dưỡng nhưng không có biên nhận giờ khởi kiện đòi lại thì giải quyết thế nào? Đòi tiền cấp dưỡng cho con sau khi đã ly hôn.
Đã đưa tiền cấp dưỡng nhưng không có biên nhận giờ khởi kiện đòi lại thì giải quyết thế nào? Đòi tiền cấp dưỡng cho con sau khi đã ly hôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư..! Tôi xin được luật sư tư vấn,câu hỏi như sau: tôi và vợ tôi ly hôn tháng 12/2012 đến nay gần 4 năm [2016], trong đơn ly hôn tòa có xử nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là 500 nghìn trên 1 tháng và tôi đã thực hiện nghĩa vụ đó có những tháng tôi cho con đến 4-5 triệu, tôi không trực tiếp đưa cho mẹ cháu mà cứ mỗi lần con tôi về chơi là tôi đưa tiền cho con và dặn về đưa tiền cho mẹ hoặc bà, tính trung bình mỗi tháng tôi cho con ít nhất cũng phải đến 2 triệu đồng khi cho con chỉ có bố tôi và anh chị nhà tôi cùng con biết không có giấy biên nhận , đến nay tháng 5/2016 vợ cũ tôi làm đơn kiến nghị lên tòa đòi tiền cấp dưỡng từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2016 nói tôi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Bên tòa án đã ra quyết định tống đạt thi hành bản án nói trên. khi vợ chồng tôi lấy nhau cho đến khi ly hôn vẫn ở chung với bố mẹ tôi và không có chung tài sản gì, hiện tại tôi đã lấy vợ khác kết hôn tháng 10/2014 hai vợ chồng tôi có mở 1 cửa tiệm sửa chữa điện thoại và làm nghề tóc, đến tháng 5/2016 2 vợ chồng tôi có vay mượn mua được mảnh đất và đang xây nhà, sổ đỏ mảnh đất đứng tên 2 vợ chồng tôi. xin luật sư tư vấn giúp tôi :(1) khi tôi đưa tiền cấp dưỡng cho con không có giấy biên nhận tiền giờ vợ cũ của tôi đòi tiền cấp dưỡng từ tháng 12/2012-tháng 8/2016 giờ tôi không chấp nhận thi hành vì tôi đã cấp dưỡng cho con từ khi ly hôn đến bây giờ là tháng 5/2016. (2) trường hợp tôi không thi hành bản án bên tòa án có quyền cưỡng chế tài sản hiện tại là thửa đất 100m2 và nhà thì đang thi công cùng cửa tiệm sữa chữa điện thoại và đồ nghề làm tóc của tôi và vợ mới không. Trước kia tôi và vợ cũ khi ly hôn không có bất cứ tài sản gì vì ở chung với bố mẹ tôi. Kính mong luật sư tư vấn giúp tôi giờ tôi phải làm thế nào ? trong trường hợp tôi không chấp nhận thi hành bản án trên thì tôi có bị sao không ..??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Luật hôn nhân gia đình năm 2000;
– Luật hôn nhân gia đình năm 2014;
– Nghị định 70/2001/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật hôn nhân gia đình 2000;
– Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân gia đình;
– Luật thi hành án dân sự 2008;
– Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014.
* Nội dung:
Thứ nhất, về việc bạn thực hiện cấp dưỡng cho con nhưng không có giấy biên nhận với vợ cũ.
Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng như các văn bản liên quan như Nghị định 70/2001/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành luật hôn nhân gia đình 2000 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân gia đình đều không có những quy định cụ thể về phương thức thực hiện cấp dưỡng, thường chỉ dừng lại ở việc quy định về hình thức cấp dưỡng theo tháng, theo quí, theo 06 tháng hoặc theo năm còn cách thức các bên trực tiếp giao và nhận tiền cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận.
Trong trường hợp của bạn, việc giao và nhận tiền cấp dưỡng cho con thực hiện qua con bạn và không hề có bất cứ giấy biên nhận nào giữa bạn và mẹ cháu bé là người giám hộ của cháu. Như vậy là không có bất cứ giấy tờ hay bằng chứng gì cho việc bạn đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với con sau khi ly hôn. Điều này là một sơ suất của bạn, có thể trên thực tế bạn cấp dưỡng cho con đầy đủ, thậm chí là cấp dưỡng hơn nhiều lần mức cấp dưỡng Tòa quy định, nhưng về mặt pháp lý, nghĩa vụ của bạn chưa được ghi nhận lại một cách hợp pháp và như vậy, bạn bị coi là chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Trường hợp này bắt buộc bạn phải có căn cứ chứng minh mình đã thực hiện nghĩa vụ theo đúng bản án của Tòa án sau khi ly hôn.
Vì thế yêu cầu của vợ cũ bạn là phù hợp với quy định của pháp luật cho dù có thể không đúng trên thực tế. Vậy nên, trong trường hợp này, bạn đang ở thế bất lợi và điều bạn nên làm là thỏa thuận với vợ cũ về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể, thời gian từ lúc bạn ly hôn cho đến nay là 42 tháng (tháng 12/2012 đến tháng 06/2016), tổng số tiền cấp dưỡng là 21 triệu đồng (500 nghìn đồng/ tháng). Bạn nên thỏa thuận với vợ cũ về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với mức thấp hơn 21 triệu bởi nếu theo như những gì bạn nói thì hàng tháng bạn đều cấp dưỡng ít nhất 2 triệu đồng cho con, vợ cũ của bạn tuy không làm giấy biên nhận nhưng không thể không biết về số tiền đó. Thỏa thuận thành công có thể tốn kém nhưng sẽ giúp bạn hoàn thành nghĩa vụ trước pháp luật và tránh được các rắc rối khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, trách nhiệm của bạn nếu không thi hành bản án của Tòa án.
Nếu bạn vẫn không chấp nhận thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện các thủ tục để buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ. Vì bạn không cung cấp thông tin về công việc, lương tháng hay các loại thu nhập ổn định khác của bạn để có thể tiến hành theo phương pháp khấu trừ quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 70/2001/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật hôn nhân gia đình 2000: “3. Theo quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.” nên trong trường hợp bạn không thực hiện quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các thủ tục theo Luật Thi hành án dân sự 2008.
Theo Điều 45 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 và Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 sau 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc thi hành án mà bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ theo quyết định thì cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế tài sản của bạn để thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào những tài sản của bạn cũng như giá trị nghĩa vụ bạn phải thực hiện để cưỡng chế tài sản thi hành án để quyết định cưỡng chế thi hành án bằng tài sản nào. Vậy nên, về mặt nguyên tắc, quyền sử dụng mảnh đất 100m2 và nhà đang thi công và cửa hàng sửa chữa điện thoại và đồ nghề làm tóc của vợ chồng bạn hoàn toàn có thể bị cưỡng chế phần tài sản thuộc sở hữu của riêng bạn để thi hành án nếu bạn không còn tài sản nào khác đủ để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nói trên.