Nghĩa vụ sử dụng bảo vệ mốc giới chung liền kề. Sử dụng, phân chia bảo vệ ranh giới chung là bức tường giữa hai bất động sản liền kề.
Nghĩa vụ sử dụng bảo vệ mốc giới chung liền kề. Sử dụng, phân chia bảo vệ ranh giới chung là bức tường giữa hai bất động sản liền kề.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Công ty Luật sư TNHH Dương Gia. Tôi và nhà bên cạnh có 1 bức tường chung dài 5m, cao 3m (trước đây là nhà tập thể, nhà cấp 4). Nay nhà bên cạnh xây nhà mới (2 tầng). Nhà bên cạnh và tôi đã nói chuyện với nhau trước khi họ thi công là sẽ họ (nhà bên) sẽ chịu trách nhiệm đập tường chung và xây cho tôi một bức tường riêng để chia ranh giới (giữa tường) trước khi họ thi công nhà của họ, tôi đã đồng ý. Nhưng khi thi công họ chỉ xây trên phần đất của họ chứ không đập tường chung (không hiểu do họ sợ tốn kém hay phần đất của họ đã đủ). Trong quá trình thi công mặc dù tôi đã yêu cầu họ dùng máy cắt để tránh ảnh hưởng đến tường nhà và trụ cột (vì các góc tường, trụ cột chung trước đây xây dính với tường), nhưng họ không dùng máy cắt mà dùng búa đập và khoan phá bê tông để phá làm nứt tường và phần còn lại của các trụ cột chịu lực chung. Hiện tại nhà họ đã xây xong tầng 1. Tôi có nói với họ tình hình bức tường chung bị hư hại, họ trả lời sau này họ sẽ tô trít lại cho. Tôi nghĩ tô trít lại chỉ được 1 thời gian bởi vì tường và trụ đã bị hư hỏng bên trong. Tôi xin hỏi: Bức tường chung bị hỏng này tôi có quyền yêu cầu nhà bên xây lại không? Kính nhờ Công ty tư vấn giúp tôi, chân thành cám ơn!?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 266 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Điều 266. Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.
Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.
Trong trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.”.
Như vậy, trong trường hợp này bức tường chung được xây trên ranh giới là tài sản thuộc sở hữu chung của hai nhà và cả hai bên đều có nghĩa vụ bảo vệ.
Theo nguyên tắc, khi quyền dân sự bị của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình, buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Vì vậy, khi nhà bên có hành vi dùng búa để đập và khoan phá bê tông dẫn đến hậu quả nứt tường chung và các phần còn lại của trụ cột thì gia đình bạn có quyền yêu cầu gia đình có bất động sản liền kề dừng ngay hành vi dẫn đến hậu quả làm nứt tường và các phần còn lại của trụ cột lại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Mặt khác theo quy định tại Điều 267 Bộ luật dân sự 2005 khi xây dựng nhà bên cạnh phải đảm điều kiện tôn trọng quy tắc xây dựng.
"Điều 267. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng
1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
2. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh."
Các bên tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường; Mức bồi thường phải phù hợp với thực tế. Vì vậy, vấn đề bồi thường trong trường hợp này phải do hai bên tự thỏa thuận đồng nghĩa với việc bạn có quyền yêu cầu xây dựng lại bức tường chung nhưng gia đình có bất đồng sản liền kề không có nghĩa vụ phải thực hiện mà mức bồi thường hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện của cả hai bên. Nếu không thỏa thuận được thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mức bồi thường trong trường hợp này.