Thủ tục, hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế. Quy định về thông báo tập trung kinh tế.
Thủ tục, hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế. Quy định về thông báo tập trung kinh tế.
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Tập trung kinh tế là một xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp trong kinh tế thị trường. Vì những lý do khác nhau trong nền kinh tế như cạnh tranh gay gắt, nhu cầu áp dụng công nghệ mới, nhu cầu về vốn và sức mạnh tài chính… mà khả năng của từng doanh nghiệp riêng rẽ không thể đáp ứng được dẫn tới vấn đề tập trung kinh tế luôn diễn ra trên thương trường. Mục tiêu của các hình thức tập trung kinh tế suy cho cùng là tạo ra những doanh nghiệp lớn trên cơ sở tập trung sức mạnh của nhiều doanh nghiệp sẵn có.Tuy nhiên, sự tập trung kinh tế sẽ làm thay đổi cơ cấu của thị trường và có nguy cơ xuất hiện của những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, những doanh nghiệp độc quyền. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp yếu thế hơn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh tại Khoản 1 Điều 20 Luật cạnh tranh 2004 quy định các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Thủ tục, hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế được quy định cụ thể như sau:
Về thủ tục thông báo tập trung kinh tế:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cục quản lý cạnh tranh.
– Trình tự thực hiện: Căn cứ trình tự thực hiện thông báo việc tập trung cạnh tranh bao gồm các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Cục quản lý cạnh tranh.
Cục quản lý cạnh tranh tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của doanh nghiệp; vào sổ lưu và trình hồ sơ lên Cục trưởng (hoặc Phó Cục trưởng được phân công) ngay trong ngày.
Bước 2: Thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế
Theo quy định tại Điều 22 Luật cạnh tranh 2014, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ về tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm chỉ rõ những nội dung cần bổ sung.
Bước 3: Trả lời thông báo tập trung kinh tế
Điều 23 Luật cạnh tranh 2014 ấn định trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ. Văn bản trả lời của Cục Quản lý cạnh tranh phải xác định tập trung kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm.
– Tập trung kinh tế bị cấm. Lý do cấm phải được nêu rõ trong văn bản trả lời.
Trường hợp việc tập trung kinh tế có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trả lời có thể được Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày và phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày hết hạn trả lời thông báo, nêu rõ lý do của việc gia hạn.
Về hồ sơ thông báo tập trung kinh tế:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Luật cạnh tranh 2014, hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm:
>>> Luật sư tư vấn pháp
– Văn bản thông báo việc tập trung kinh tế theo mẫu do cơ quan quản lý cạnh tranh quy định.
– Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
– Báo cáo tài chính trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật.
– Danh sách các đơn vị phụ thuộc của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
– Danh sách các loại hàng hoá, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp đó đang kinh doanh.
– Báo cáo thị phần trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ.
Doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thuộc diện phải thông báo theo quy định nêu trên chỉ được làm thủ tục tập trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp sau khi được cơ quan quản lý cạnh tranh trả lời bằng văn bản về việc tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm.