Quy định của pháp luật dân sự về phạt vi phạm hợp đồng. Điều kiện áp dụng, hình thức, mức phạt vi phạm hợp đồng.
1. Điều kiện để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng
Khoản 1 Điều 422 Bộ luật dân sự quy định:
“Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”
Theo đó, điều kiện để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng bao gồm:
Thứ nhất, phạt vi phạm phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm (khoản 1 Điều 422 Bộ luật dân sự). Khác với Bộ luật dân sự 1995, “Bộ luật dân sự năm 2015” không quy định phạt vi phạm là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nữa, mà nó được coi là một điều khoản được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Điều khoản phạt vi phạm với ý nghĩa là sự trừng phạt đối với bên có hành vi vi phạm hợp đồng, được các bên dự liệu trước trong hợp đồng. Phạt vi phạm chỉ được áp dụng trong một trường hợp duy nhất đó là các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, còn pháp luật không quy định về phạt vi phạm mà chỉ quy định về bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, có hành vi vi phạm hợp đồng. Bên bị vi phạm có thể áp dụng phạt vi phạm ngay khi có hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên kia, mà không nhất thiết phải có thiệt hại xảy ra. Đây là điểm khác biệt giữa phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sở dĩ không cần thiết phải có thiệt hại xảy ra bởi pháp luật đã để mở cho các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm và các điều kiện của phạt vi phạm. Khi họ đã xác lập các điều kiện của phạt vi phạm trong hợp đồng nghĩa là họ đã chấp nhận và bị ràng buộc bởi các cam kết của mình. Do đó, họ phải gánh chịu trách nhiệm ngay khi các điều kiện đó phát sinh, bất kể thiệt hại có xảy ra hay không.
Như vậy chỉ cần đủ hai điều kiện: có thỏa thuận trong hợp đồng và có hành vi vi phạm hợp đồng, trách nhiệm phạt vi phạm lập tức phát sinh.
2. Hình thức phạt vi phạm
Dựa vào hành vi vi phạm hợp đồng thường có hai hình thức phạt, đó là phạt bội ước và phạt vạ.
Bội ước tức là không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, do đó có thể hiểu phạt bội ước là phạt do không thực hiện hợp đồng. Đối với trường hợp phạt bội ước sau khi đã nộp đủ tiền phạt thì bên vi phạm được giải phóng khỏi nghĩa vụ hợp đồng của mình, hợp đồng chấm dứt khi bên vi phạm nộp phạt.
>>> Luật sư
Phạt vạ được áp dụng trong các trường hợp các bên thực hiện hợp đồng không đúng nghĩa vụ như chậm giao hàng, chậm thanh toán tiền… Phạt vạ là hình thức phạt mà sau khi nộp một khoản tiền phạt, bên vi phạm vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng.
3. Mức phạt vi phạm hợp đồng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 442 Bộ luật dân sự, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Bộ luật dân sự không quy định giới hạn về mức phạt tối đa hay tối thiểu, mà hoàn toàn để cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng tự quyết định. Quy định này thể hiện sự tôn trọng tối đa quyền tự do định đoạt của các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng.