Nhắn tin đe dọa người khác, bịa đặt thông tin người khác lên trang mạng xã hội bị xử lý thế nào? Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, uy tín.
Nhắn tin đe dọa người khác, bịa đặt thông tin người khác lên trang mạng xã hội bị xử lý thế nào? Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, uy tín.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi hiện đang là Phó Giám đốc của một công ty kinh doanh mua bán và cho thuê bất động sản. Mới đây, một cá nhân do có thù hằn với giám đốc của công ty tôi, nên đã có hành vi nhắn tin, gọi điện đe dọa giám đốc công ty tôi, đồng thời đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật kèm theo hình ảnh tòa nhà đang do công ty tôi quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã gọi điện trực tiếp cho tôi và yêu cầu thanh lý hợp đồng. Vậy thưa Luật sư, công ty tôi có thể khởi kiện vấn đề này ra Tòa án được không ạ? Và nếu được thì người đó sẽ bị xử lý như thế nào? Xin cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 93, Bộ luật Dân sự 2005, thì pháp nhân (trong trường hợp của bạn là tổ chức kinh tế) sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự do người đại diện của pháp nhân xác lập và thực hiện nhân danh pháp nhân. Như vậy, người đại diện theo pháp luật của công ty bạn có thể đại diện cho công ty bạn để thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội của người đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp, công ty của bạn tiến hành việc nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi người đó cư trú hoặc làm việc, thì Tòa án sẽ căn cứ vào đơn khởi kiện của bạn, cũng như những bằng chứng, chứng cứ mà bạn cung cấp để xác định xem việc thực hiện vấn đề này được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự hay thực hiện theo tố tụng hình sự.
Nếu Tóa án xác định xử lý vụ việc này theo thủ tục tố tụng dân sự, nếu có đủ căn cứ thì Tòa án có thể yêu cầu người đó bồi thường thiệt hại cho công ty bạn các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút. Ngoài ra, người đó còn phải bổi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người giám độc của công ty bạn phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (Điều 611, Bộ luật Dân sự 2005). Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 37, Bộ luật Dân sự 2005 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, suy rộng ra, danh dự, uy tín của tổ chức cũng sẽ được pháp luật bảo vệ.
Trong trường hợp Tóa án xác định xử lý vụ việc này theo thủ tục tố tụng hình sự, sau khi thẩm định xong chứng cứ, Tòa án có thể ra phán quyết và người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi vu khống theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009. Theo đó, người đó có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, phạt tù từ một năm đến bảy năm. Ngoài ra, người đó còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.