3 tuổi có phải bồi thường khi gây thiệt hại? Em bé ba tuổi băng qua đường gây tai nạn thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi: Chiều ngày 22/10/2015 ba của em và em đang lưu thông trên đường nông thôn (đường đất) tốc độ 30-40km/h bằng xe gắn máy thì bất ngờ có 1 đứa bé khoảng 3 tuổi trong nhà chạy ra ngay trước đầu xe vì né đứa bé đạp phanh mà té, ba em bị đứt 2 ngón tay đứa bé thì không sao, trong trường hợp này gia đình đứa bé có phải bồi thường tiền chữa trị cho ba em không ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Em bé khoảng 3 tuồi theo như nội dung bạn đưa ra vẫn chưa có năng lực pháp luật, chưa có đủ nhận thức để thực hiện một hành vi hay chịu trách nhiệm. Để xác định vấn đề bồi thường bạn cần phải xem xét lỗi bên bạn có tồn tại hay không? Nếu bạn và bố bạn đi tốc độ cho phép, không có bất kỳ lỗi gì và do em bé khoảng 3 tuổi chạy ra bất ngờ thì trách nhiệm bồi thường quy định như sau:
Theo quy định của “Bộ luật dân sự 2015” giải quyết trường hợp của bạn như sau:
« Điều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Theo Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP
“3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
3.1. Khi thực hiện quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần phải chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp; cụ thể như sau:
– Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự;
– Trong trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự;
– Trong trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
>>> Luật sư
– Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự.
3.2. Việc quyết định về bồi thường (lấy tài sản để bồi thường) phải cụ thể và theo đúng quy định tại Điều 606 BLDS.”
Như vậy, nếu xác định chính xác nội dung thông tin là bên bạn không có lỗi, em bé chạy như vậy thì cha mẹ của em bé sẽ là người trực tiếp phải bồi thường. Ngoài ra bạn còn phải lưu ý trường hợp ngoài phạm vi quản lý của cha mẹ như sau:
Điều 621 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“..người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì trường học, bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.”
Vậy, bạn cần nắm rõ được các nội dung yêu cầu trên để yêu cầu bồi thường đúng theo quy định của pháp luật.