Đòi lại đất đã tặng cho. Đất đã tặng cho rồi có đòi lại được không? Trình tự, thủ tục kiện đòi lại tài sản đã tặng cho được thực hiện như thế nào?
Đòi lại đất đã tặng cho. Đất đã tặng cho rồi có đòi lại được không? Trình tự, thủ tục kiện đòi lại tài sản đã tặng cho được thực hiện như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Gửi Luật sư Luật Dương Gia! Tôi có nhu cầu tư vấn vấn đề cụ thể như sau: Cho hỏi như ba em cho anh rể em một mảnh đất nhỏ chung nhà mà mấy anh chị em chưa ký tên hết chỉ có một mình ba em thôi, nhưng bây giờ anh rể em bỏ chị em mà đi chung sống với người đàn bà khác thì ba em có quyền lấy lại đất không? Xin tư vấn giúp cho em với, em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Vì câu hỏi của bạn chưa nêu rõ là mảnh đất nhỏ chung nhà mà ba bạn tặng cho anh rể bạn thuộc quyền sở hữu của ai cũng như hợp đồng tặng cho đã tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật hay chưa. Vì vậy đối với vấn đề của bạn cần lưu ý hai vấn đề sau:
- Thứ nhất, mảnh đất tặng cho thuộc quyền sở hữu của ai?
+ Trường hợp thứ nhất: mảnh đất tặng cho thuộc sở hữu của chỉ một mình ba bạn. Theo quy định tại Điều 465 Bộ Luật dân sự 2005, việc tặng cho là hoàn toàn hợp pháp về mặt nội dung.
+ Trường hợp thứ hai: mảnh đất thuộc quyền sở hữu của cả ba mẹ bạn (trong trường hợp mẹ bạn còn sống). Việc tặng cho phải được sự đồng ý của cả mẹ bạn. Trong trường hợp này hợp đồng tặng cho sẽ vô hiệu theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
+ Trường hợp thứ ba: mảnh đất là tài sản thừa kế chưa chia (trong trường hợp mẹ bạn đã mất): Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005, một nửa mảnh đất là di sản thừa kế chưa chia. Hợp đồng tặng cho giữa ba bạn và anh rể bạn chỉ có giá trị đối với một nửa mảnh đất. Một nửa mảnh đất còn lại thuộc quyền sở hữu của cả ba bạn, ông bà ngoại bạn, bạn và anh em bạn (Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005). Việc tặng cho nửa mảnh đất này phải được sự đồng ý của tất cả những người kể trên. Vì bạn có nêu rằng việc tặng cho chưa được tất cả anh chị em ký tên nên nửa mảnh đất trên không thuộc quyền sở hữu của anh rể bạn.
+ Trường hợp thứ tư: Mảnh đất là tài sản chung của tất cả các thành viên trong gia đình bạn (sổ đỏ ghi tên chủ sở hữu cả bố bạn, bạn và anh chị em của bạn) thì việc tặng cho phải được sự đồng ý của toàn bộ đồng chủ sở hữu. Trong trường hợp này, hợp đồng tặng cho giữa ba bạn và anh rể bạn là vô hiệu vì chưa có sự đồng ý của tất cả chủ sở hữu của mảnh đất trên (Điều 197, Điều 214, Điều 223 Bộ luật dân sự 2005).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
- Thứ hai, về thủ tục tặng cho:
Đất là bất động sản, vì vậy việc tặng cho giữa ba bạn và anh rể bạn phải thực hiện theo hình thức quy đinh tại Khoản 1 Điều 467 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, việc tặng cho phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Trong trường hợp của bạn, hợp đồng tặng cho giữa ba bạn và anh rể bạn không thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực thì hợp đồng trên sẽ bị vô hiệu.
Như vậy, trường hợp mảnh đất trên hoàn toàn thuộc sở hữu của một mình ba bạn và hợp đồng tặng cho giữa ba bạn và anh rể bạn đã thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực thì mảnh đất trên đã thuộc quyền sở hữu của anh rể bạn, ba bạn không có quyền sở hữu đối với mảnh đất đó nữa nên không có quyền lấy lại đất.
Trong những trường hợp còn lại, mảnh đất không thuộc quyền sở hữu của một mình ba bạn hoặc hợp đồng tặng cho không được công chứng, chứng thực thì ba bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu theo quy định tại Điều 410, Điều 465, Điều 467 Bộ luật dân sự 2005.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.