Pháp luật về nguồn nguy hiểm cao độ. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về nguồn nguy hiểm cao độ theo pháp luật dân sự.
Trong thực tế cuộc sống hàng ngày việc có thiệt hại xảy ra là không thể tránh khỏi, đó có thể là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, uy tín nhân phẩm hay thậm trí là thiệt hại đối với tính mạng con người. Những thiệt hại này có thể do chính con người gây ra hoặc cũng có thể do tài sản gây ra… Trong những trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm còn gây nhiều tranh cãi, còn có nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế. Sự bất cập của nó được thể hiện ngay ở việc xác định đâu là nguồn nguy hiểm cao độ. Bài viết này chỉ ra những bất cập và định hướng hoàn thiện trong việc xác định nguồn nguy hiểm cao độ.
1. Nội dung
Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 không nêu khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ như sau :”Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm phương tiện giao thông vận tải cơ giới mà chỉ xác định phương tiện giao thông vận tải cơ giới gồm:
- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự (Khoản 18 điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008).
- Phương tiện giao thông đường thủy gồm: tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ…(khoản 7 điều 3 Luật giao thông đường thủy nội địa 2004).
- Phương tiện giao thông đường hàng không gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị khác (khoản 1 điều 13 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006).
- Phương tiện giao thông đường sắt gồm: đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt (Khoản 20 điều 3 Luật đường sắt 2005).
Hệ thống tải điện: được hiểu là dây truyền dẫn điện, mô tơ, máy phát điện…tựu chung lại là một hệ thống hoàn chỉnh nhằm cung cấp điện tới nơi tiêu thụ.
Vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng (súng săn, súng trường…), vũ khí thể thao (súng hơi, các loại súng dùng trong luyện tập, thi đấu…) , vũ khí thô sơ (dao găm, kiếm…), súng săn.
Chất nổ, chất cháy: Là những chất lỏng, khí, rắn…dễ gây cháy nổ (điều 3 luật phòng cháy chữa cháy).
Chất độc: Là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sứ khỏe, tính mạng của người, vật cũng như môi trường xung quanh.
Chất phóng xạ: Là chất ở thể rắn, lỏng khí hoặc có hoạt động phóng xạ riêng lớn hơn 70KIBO/KG (pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ 1996).
Thú dữ: Là động vật bậc cao có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, rất dữ , có thể làm hại người khác như hổ, báo, sư tử, gấu…(Từ điển tiếng việt).
2. Những bất cập tồn tại
Những liệt kê về nguồn nguy hiểm cao độ trên chưa hoàn chỉnh bởi trong thực tế còn có nhiều sự vật có thể được xếp vào là nguồn nguy hiểm cao độ. Từ những khái niệm về các loại nguồn nguy hiểm cao độ trên ta có thể thấy có những sự vật thực tế có thể gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác mà chưa được liệt kê vào danh sách nguồn nguy hiểm cao độ.
Thứ nhất, trong thực tế có nhiều loại phương tiện có đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ nhưng lại nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật khi quy định đâu là nguồn nguy hiểm cao độ, ví dụ như: xe đạp điện, xe máy có dung tích xilanh dưới 50cm3, máy thi công, máy nông nghiệp…, những loại xe này cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho người khác. Xe đạp điện có vận tốc tối đa là 40km/h, khi hoạt động với vận tốc này cũng có thể gây ra thiệt hại đối với tính mạng, tài sản của người khác. Ngoài ra, nhưng loại máy thi công như xe ủi, cần cẩu cũng được lưu thông trên đường, chẳng hạn xe cần cẩu đang thi công thì bị rơi trục cần gây tại nạn cho người đi đường, vậy khi đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại loại xe này gây ra thì sẽ được xử theo trách nhiệm bồi thường nào trong khi thiệt hại xảy ra là do chính hoạt động của xe cần cẩu? Như vậy có nên liệt kê những loại máy thi công này vào danh sách nguồn nguy hiểm cao độ hay không?
Thứ hai, thú dữ được liệt kê vào danh sách nguồn nguy hiểm cao độ là một điều tất yếu. Vậy còn những người mà bị thiệt hại do những con vật nguy hiểm khác mà không phải thú dữ hay súc vật (theo Điều 625 Bộ luật dân sự 2005) gây ra thì sẽ được bồi thường thiệt hại thế nào? Đây tiếp tục lại là một câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải là thiếu xót của những nhà làm luật?
>>> Luật sư
Tựu chung lại, việc liệt kê nguồn nguy hiểm cao độ như vậy không mang tính khái quát cao, khiến cho cả những nhà thực thi pháp luật còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Hơn nữa việc quy định nguồn nguy hiểm cao độ ở quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể để đánh giá đâu là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhiều khó khăn cho mọi người trong việc tìm hiểu vấn đề này, đặc biệt là những người dân còn có trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao…
3. Định hướng hoàn thiện
Từ những bất cập đã chỉ ra trên đây cũng sự nghiên cứu các tài liệu khác, tôi cho rằng nên có thêm những văn bản pháp luật liệt kê cụ thể hơn về nguồn nguy hiểm cao độ hoặc đưa ra những tiêu chí chung để xác định nguồn nguy hiểm cao độ như tiêu chí về mức độ nguy hiểm, tiêu chí về khả năng kiểm soát của con người đối với tài sản đó…