Trách nhiệm nộp án phí trong giải quyết các tranh chấp đất đai. Trong vụ việc tranh chấp của em thì ai sẽ phải là người nộp án phí dân sự?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin mấy anh chị luật sư cho em hỏi việc này, em có miếng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDD) đầy đủ và có 1 người cũng có giấy CNQSSD ngay đất của em luôn, lý do là tại Sở tài nguyên môi trường cấp đất chồng lên nhau, hiện tại đất của tôi chỉ còn 62m2 thay vì là 169,9m2, 62m2 này chiều rộng chỉ 1,20m chạy dài 50m hiện tại em đang rào lưới để làm đường đi vì lúc trước không biết của ai, vậy là họ đi thưa ra tòa nhưng không phải thưa em nhưng em cũng bị mời đi vì đang sử dụng 62m2 kia, khi lên tòa trong phiên hòa giải đến lúc xử sơ thẩm em đều đồng ý trả lại đất, còn bên STNMM cũng đồng ý bồi thường cho anh kia nhưng khi phán án tòa bắt buộc em phải mua 62m2 đất mà em đang làm rào với giá hơn 200 triệu còn bắt em đóng 10 triệu án phí. Xin mấy anh chị luật sư xem giúp em có luật nào ép buộc em mua đất hay không, và Tòa án tuyên như vậy có đúng không, tiền án phí em có phải đóng không, và bây giờ em phải làm sao vì em không có tiền, Xin mấy anh chị giúp em!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất: Trong nội dung câu hỏi của bạn nêu rõ đất nhà bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bạn phải xem xét lại nguồn gốc đất ban đầu cụ thể do ai là chủ sở hữu hay việc cấp đất sai từ cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cụ thể.
Thứ hai: Bên có cùng diện tích với bạn tiến hành khởi kiện cơ quan đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn là người được cấp đất cùng thửa thì cũng cần phải xem xét bạn có bị thiệt hại không.
Thứ ba: Việc ép mua đất ở đây là không có căn cứ
Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì đất mà bạn đang sử dụng nếu xin giao đất, thuê đất từ Ủy ban nhân dân cấp quận huyện, hay mua bán chuyển nhượng từ một người khác thì vẫn phải làm thủ tục mua bán chuyển nhượng. Việc Tòa án yêu cầu là không có căn cứ.
Thứ tư: Về án phí, theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí 2009
“Điều 27. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm
1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
13. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.”
Bạn có nêu rõ là vì bạn có liên quan nên mời tham gia giải quyết, không phải là bên bị kiện (bị đơn) nên việc yêu cầu nộp phần án phí là không đúng. Mặt khác bạn cần phải xem xét lại tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến mảnh đất mà bạn đang ở và quyền lợi của bạn có đang bị xâm phạm hay không để có thể đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.