Quy định về hợp đồng vận chuyển tài sản. Hợp đồng vận chuyển tài sản phải đảm bảo nhưng yêu cầu gì? Đặc điểm của hợp đồng này?
Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển tài sản được quy định từ Điều 535 đến Điều 546 của “Bộ luật dân sự năm 2015”.
Thực tế đời sống hiện nay, nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia hay trong phạm vi quốc gia đang tăng lên, chúng ta không chỉ đơn giản là sản xuất hàng hóa để phục vụ nhu cầu bản thân hay để cung cấp cho một thị trường nhỏ lẻ mà còn là để phục vụ cho nhu cầu của mọi người trên thế giới, hay nói cách khác là để xuất khẩu ra nước ngoài.
Với việc vận chuyển ở khu vực gần và số lượng nhỏ thì chính chủ nhân của các tài sản này có thể tự mình vận chuyển được, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vận chuyển với số lượng lớn, khoảng cách xa, như trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài thì buộc phải vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường hàng không, một số trường hợp có thể mới dùng đến đường bộ và tất nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để có đủ thời gian, công sức và phương tiện để có thể tự mình vận chuyển tới các địa điểm như vậy. Do đó mà người có nhu cầu vận chuyển tài sản sẽ kí hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ vận chuyển tài sản hoặc là người có phương tiện.
>>> Luật sư
Bộ Luật Dân sự cũng đã quy định khá cụ thể về hợp đồng vận chuyển tài sản nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, mặt khác, các quy định này còn có ý nghĩa trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch hợp đồng vận chuyển tài sản. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính chất chung, còn khi muốn áp dụng đúng vào các trường hợp cụ thể thì cần phải sử dụng các văn bản quy định chi tiết hơn.
Sau đây là một số đặc điểm cơ bản của hợp đồng vận chuyển tài sản:
- Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng song vụ, mang tính đền bù. Vì là hợp đồng song vụ nên tất nhiên các bên trong hợp đồng vận chuyển có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, quyền của bên này tương ứng là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, cụ thể hơn, trong quan hệ hợp đồng vận chuyển tài sản, bên thuê vận chuyển phải thanh toán thù lao và được nhận tài sản tại địa điểm mà mình yêu cầu, còn đối với bên vận chuyển được nhận thù lao và phải giao tài sản đúng, đầy đủ tại địa điểm được yêu cầu. Trong trường hợp một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ như trong hợp đồng gây hậu quả cho bên có quyền tương ứng thì bên không thực hiện nghĩa vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia.
- Hợp đồng vận chuyển tài sản có thể là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Người thứ ba được hưởng lợi ích trong hợp đồng này là người có quyền nhận tài sản vận chuyển.