Hộ gia đình tôi được Nhà nước giao 4 thửa ruộng. Khi nội chuyển khẩu đi nơi khác, bác tôi đã sang tên 2 trong 4 thửa đó. Tôi có khởi kiện tuy nhiên Tòa án không giải quyết triệt để mong luật sư tư vấn cho tôi?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên: Nguyễn Văn Sơn Trung, CMND:260901633, ĐT:01234498072, thường trú tại khu phố Phú Xuân, Phú Long, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Tôi xin trình bày vụ án hành chính sau đây mà tòa án tỉnh Bình Thuận đã xét xử oan sai cho hộ gia đình như sau: chị em tôi là thành viên trong hộ. Trước năm 1993 nhà nước giao khoán ổn định 4 thửa ruộng 2 lúa là thửa 84/2670, 94/4276, 114/2100 và 118/1227 cho hộ gia đình tôi trực tiếp quản lý và sử dụng. Năm 1993 hộ gia đình tôi có 7 khẩu, nội tôi Châu Thị Nhẫn đứng tên chủ hộ, bố tôi Nguyễn Bá Kiệm, mẹ , cùng 4 người con được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B 644509 gồm thửa 114/2100 và 94/4276. UBND huyện Hàm Thuận Bắc chứng nhận Nguyễn Bá Kiệm được quyền sử dụng 2 thửa ruộng 94/4276 và 114/2100 cho hộ nhà tôi mang tên Nguyễn Bá Kiệm (1948). Năm 1996 nội tôi chuyển khẩu sang hộ nhà bác tôi Nguyễn Bá Cần cùng địa phương với tư cách là thành viên. Năm 1998 nội tôi chuyển khẩu sang nhà chú tôi (đã chết) làm chủ hộ ở: 004,Trần Hưng Đạo,Phú Trinh,Phan Thiết,Bình Thuận. Năm 2004 nội tôi chết tại hộ này (có giấy chứng tử, và sổ hộ khẩu do địa phương tại đây cấp). Năm 2005 bác tôi khởi kiện gia đình tôi phải chia 1/2 thửa ruộng 84/2670 tại toà án dân sự (theo chúc ngôn) . Năm 2006 bác tôi chết, không còn ai kế thừa quyền khởi kiện. Tòa án đã đình chỉ vụ án dân sự này. Từ đó gia đình tôi mới biết 2 thửa còn lại 84/2670 và 118/1227 đã bị bác tôi mạo danh làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất vào năm 1999 và năm 2001 được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T246659. UBND huyện Hàm Thuận Bắc chứng nhận Châu Thị Nhẫn được quyền sử dụng 2 thửa ruộng 84/2760 và 118/1227.Và đã chuyển nhượng thửa 118/1227 cho hộ khác. Có chính quyền địa phương xác nhận và ghi vào GCNQSDĐ như sau:
-16/12/2002: Đồng ý cho hộ Châu Thị Nhẫn chuyển sang trồng cây Thanh Long thửa số 118/1227 theo quyết định số 215 GĐ/LT-UB.HTB và Hộ đã chuyển nhượng thửa 118/1227 đất trồng cây Thanh Long cho hộ Dương Văn Thái theo hợp đồng số 650 CN, vào ngày 03/07/2013. Trong khi nội tôi (bà Nhẫn) đã hơn 80 tuổi (lú lẫn) và không biết chữ. Từ đây bố tôi Nguyễn Bá Kiệm đã có đơn gửi UBND huyện Hàm Thuận Bắc đính chính lại thửa ruộng 84/2760 còn lại sang tên cho hộ gia đình tôi ,vì đây là ruộng đã giao khoán ổn định cho hộ gia đình. Ruộng này không có phát sinh thừa kế. Hộ gia đình tôi là hộ khẩu của bà Châu Thị Nhẫn không tách rời tại QĐ số 1733/QĐ/TTBT và công văn số 121/UBND/NCPC của UBND tỉnh Bình Thuận đã xác minh chỉ có 1 hộ khẩu. Nhưng UBND huyện không đồng ý. Và UBND huyện HTB khẳng định rằng : GCNQSDĐ số T 246659 ngày 29/06/2011 của UBND huyện HTB cấp đứng tên bà Châu Thị Nhẫn, là cấp cho cá nhân bà Châu Thị Nhẫn, việc cấp GCNQSDĐ trên là đúng quy định pháp luật nên không đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện. Từ đây bố tôi khởi kiện ra tòa án và qua 3 lần xét xử với bản án số 03/2012/HC-ST, số 16/2013/HC-PT, số 02/2014/HC-ST vẫn không giải quyết được vấn đề. Năm 2014 bố tôi chết. Năm 2015, tôi kế thừa quyền khởi kiện và phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 29/07/2015 tại tòa án tỉnh Bình Thuận tòa vẫn bác đơn khởi kiện của bố tôi (tôi chưa nhận bản án) mặc dù ngày 27/02/2009, PTN&MT huyện HTB có công văn số 53/BC-PTN&MT, nội dung: UBND thị trấn Phú Long có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị UBND huyện HTB hủy GCNQSDĐ số T 246659 có thửa dất số 84/2760, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại khu phố Phú Xuân, thị trấn Phú Long, cấp ngày 29/06/2001 đứng tên bà Châu Thị Nhẫn; đồng thời lập thủ tục đệ nghị cấp lại GCNQSDĐ đối với thửa đất nói trên cho ông Kiệm và ngày 08/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 121/UBND-NCPC với nội dung: "Hội đồng tư vấn tỉnh thống nhất giao cho UBND huyện Hàm Thuận Bắc xem xét theo hướng: Nếu không còn tranh chấp thì giao đất trên cho ông Nguyễn Bá Kiệm (vì ông Kiệm ở với mẹ ông từ trước đến nay). Nếu còn tranh chấp thì hướng dẫn họ khởi kiện tại tòa án”, cùng trong thời gian từ đó đến nay cũng không có ai tranh chấp với hộ gia đình tôi về thửa ruộng 84/2760 đến tòa án dân sự có thẩm quyền để xét xử cả (không có thông báo tòa án nào thụ lý cả). Qua vụ án này tôi xét thấy: vụ án đã kéo dài hơn 10 năm, qua 4 phiên tòa mà vấn đề lại không được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục mà Quốc hội đã quy định theo pháp luật về
1.Hành vi hành chính của UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân bà Châu Thị Nhẫn là không đúng theo thông tư 346/TT-TC- ĐC ngày 16/03/1988,
– Thửa ruộng 118/1237 và 84/2760 là ruộng giao khoán ổn định cho hộ gia đình tôi với tên chủ hộ là Châu Thị Nhẫn. Khi bà Nhẫn sang địa phương khác thường trú ( 004, Trần Hưng Đạo,Phú Trinh,Phan Thiết) thì hộ gia đình tôi vẫn là người trực tiếp quản lý và sử dụng. Hộ gia đình tôi vẫn là hộ cũ không có hộ khẩu nào khác( có văn bản công nhận), khi sử dụng nhà tôi đã làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước. Mà UBND huyện HTB lại lấy ruộng trên cấp cho cá nhân khác không thuộc đối tượng ở địa phương mình quản lý lại chưa có quyết định thu hội ruộng trên.
– Khi xét cấp GCNQSDĐ cho cá nhân bà Nhẫn thì bà Nhẫn đã không còn là người quản lý và trực tiếp cũng không còn thường trú tại địa phương. Thời điểm xét cấp bà Nhẫn đã già (hơn 80 tuổi). Mà đơn đăng ký lại là của bác tôi tự làm mạo danh (nội tôi không biết chữ, và mượn sổ hộ khẩu nhà tôi). Mà chủ tịch UBND huyện ra quyết định ngày 29/06/2001 v/v cấp GCNQSDĐ trên là không khách quan từ tờ trình ngày 05/06/2001 v/v cấp GCNQSDĐ theo biên bản xét duyệt năm 1999 của chủ tịch xã TM.UBND xã Hàm Nhơn lúc bấy giờ (nay là thị trấn Phú Long). Từ tờ trình ngày 22/06/2001 v/v phê duyệt cấp GCNQSDĐ của trưởng phòng địa chính huyện, kèm theo danh sách các chủ sử dụng đất đủ điền kiện cấp GCNQSDĐ ghi ngày 23/12/1999. Như vậy là biên bản họp hội đồng xét cấp có vấn đề khó hiểu (tham nhũng, hối lộ, chạy hồ sơ…). Qua đó tôi thấy không có sự minh bạch, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của hộ gia đình tôi. Làm tôi khó mà tin tưởng vào công lý vì hiện nay chính quyền địa phương (địa chính , công an, quân sự ở địa phương) lập văn bản không cho hộ gia đình tôi tác động vào đất trên nhưng không có quyết định nào được ban hành. Chẳng lẽ người dân chúng tôi không được pháp luật bảo vệ? Mặc dù hộ gia đình vẫn tuân thủ luật pháp. (Con Kiến kiện củ khoai(củ khoai sai) là không được sao ???). Trong khi đó GCNQSDĐ trên đến năm 2020 là hết hạn. Nay tôi kính nhờ quý công ty Luật Đương Gia, giúp tôi giải oan vụ án hành chính này để tôi lấy lại niềm tin. Vì thửa ruộng này là cuộc sống mưu sinh của gia đình tôi.
1.Tôi phải làm sao để được giám đốc thẩm (tái thẩm)?
2.Cá nhân Tôi còn có quyền khởi kiện sai phạm hành vi vi phạm hành chính của UBND huyện HTB từ những lỗi sai xót của chủ tịch UBND huyện HTB, trưởng phòng địa chính huyện HTB ,chủ tịch xã (thay mặt UBND xã, nay là thị trấn Phú Long) ?
3.Khi bản án có hiệu lực, thửa ruộng trên có bị nhà nước thu hồi hay không ?
4. Thửa ruộng trên có chia thừa kế hay không (trong khi GCNQSDĐ nhà bác tôi nắm giữ). Nếu có chia thì những tài sản khác của Nội tôi đã sang tên cho Cô, Chú, Bác của tôi có thu hồi lại để chia đều hay không?
Tôi xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Câu 1: Tôi phải làm sao để được giám đốc thẩm (tái thẩm)?
Thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm là hai thủ tục khác nhau theo quy định theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011.
*Thủ tục Giám đốc thẩm:
Căn cứ Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004: Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
– Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
– Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Căn cứ Điều 47 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Điều 284 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 284. Phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này.”
*Thủ tục tái thẩm:
Căn cứ Điều 305 Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:
Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
– Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
– Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
– Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
– Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.
Điều 306 Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện
“1. Đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 307 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 307 của Bộ luật này.”
Điều 307 Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.”
Như vậy, để thực hiện thủ tục giám đốc thẩm hay thủ tục tái thẩm anh phải có căn cứ theo quy định tại Điều 283 hoặc Điều 305 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
Với tình tiết anh đưa ra: “Trước năm 1993 nhà nước giao khoán ổn định 4 thửa ruộng 2 lúa là thửa 84/2670, 94/4276, 114/2100 và 118/1227 cho hộ gia đình tôi trực tiếp quản lý và sử dụng. Năm 1993 hộ gia đình tôi có 7 khẩu, nội tôi Châu Thị Nhẫn đứng tên chủ hộ, bố tôi Nguyễn Bá Kiệm, mẹ , cùng 4 người con được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B 644509 gồm thửa 114/2100 và 94/4276” thì trong 4 mảnh đất được Nhà nước giao khoán có hai mảnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B644509 gồm thửa: 114/2100 và 94/4276. Như vậy, còn lại hai thửa 84/2670 và 118/1227 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? và nếu đã được cấp thì ai là người đứng tên; có cấp cho đồng sở hữu hay không?
Căn cứ Tiểu mục I.4 Mục I Thông tư 346/1998/TT-TCĐC:
“I.4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được xét để đăng ký vào sổ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần diện tích đất như sau:
1. Diện tích đất mới được giao, cho thuê để sử dụng vào các mục đích theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền;”
Như vậy, với 4 mảnh đất được Nhà nước giao khoán tại thời điểm trước năm 1993, hộ gia đình nhà bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Câu 2. Cá nhân tôi còn có quyền khởi kiện sai phạm về hành vi vi phạm hành chính của UBND huyện HTB từ những lỗi sai xót của chủ tịch UBND huyện HTB, trưởng phòng địa chính huyện HTB, chủ tịch xã (thay mặt UBND xã, nay là thị trấn Phú Long) ?
Căn cứ Khoản 8 Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011: Bổ sung Điều 32a như sau:
“Điều 32a. Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức
1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính.
3. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Điều này.”
Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: Xác định quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật:
“1. Quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật có thể bị Tòa án xem xét hủy khi giải quyết vụ việc dân sự nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Quyết định cá biệt là quyết định hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính và hướng dẫn tại điểm a và b khoản 1 Điều 1
b) Quyết định cá biệt được ban hành không đúng thẩm quyền, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang có nhiệm vụ giải quyết.
2. Tòa án xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật khi đương sự có yêu cầu bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu tại Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.”
Đối với hai thửa đất 84/2670 và 118/1227 đã bị bác anh mạo danh làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất vào năm 1999 và năm 2001 được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T246659, UBND huyện Hàm Thuận Bắc chứng nhận Châu Thị Nhẫn được quyền sử dụng 2 thửa ruộng 84/2760 và 118/1227 và đã chuyển nhượng thửa 118/1227 cho hộ khác. Hành vi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T246659 của UBND huyện Hàm Thuận Bắc là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Tòa án có thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T246659 theo quy định tại Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011.
Căn cứ Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng như sau:
“1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.”
Căn cứ điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005: Người thừa kế theo pháp luật
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Theo quy định pháp luật, anh thuộc hàng thừa kế thứ nhất, anh có quyền thừa kế về quyền, nghĩa vụ tố tụng từ bố anh để khởi kiện về hành vi sai phạm của UBND huyện Hàm Thuận Bắc.
Câu 3. Khi bản án có hiệu lực, thửa ruộng trên có bị nhà nước thu hồi hay không ?
Anh cần nói rõ nội dung của bản án là gì? Kể từ thời điểm các đương sự nhận được bản án, thời hạn kháng cáo là 15 ngày. Nếu anh xét thấy nội dung bản án chưa giải quyết được vấn đề của anh thì anh có quyền khởi kiện lên tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết.
Đối với bản án, sau khi hết thời hạn kháng cáo của đương sự, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, bản án sẽ được thi hành.
Câu 4. Thửa ruộng trên có chia thừa kế được hay không (trong khi GCNQSDĐ nhà bác tôi nắm giữ)? Nếu có chia thì những tài sản khác của Nội tôi đã sang tên cho Cô, Chú, Bác của tôi có thu hồi lại để chia đều hay không?
Căn cứ Điều 20 Luật đất đai 1993: “Nhà nướcgiao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.
Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng…”
Hiện nay cả 4 thửa ruộng này đều được Nhà nước giao khoán có thời hạn nhất định. Bởi vậy, không thể chia thừa kế đối với thửa ruộng này bởi Nhà nước có quyền tịch thu lại bất cứ lúc nào nếu anh vi phạm về việc sử dụng đất (phá hoại đất, hủy hoại đất,…) hoặc hết thời hạn sử dụng đất mà anh không xin gia hạn thêm thời hạn sử dụng đất.
Đối với những tài sản khác mà nội anh để lại là những tài sản gì? Căn cứ Điều 645 Bộ luật dân sự 2005: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Nếu đối với những loại tài sản này đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế thì anh có quyền khởi kiện chia tài sản chung gia đình theo quy định tại điểm 2.4 Tiểu mục 2 Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP: Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:
– Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Theo như anh trình bày, thời điểm xảy ra tranh chấp là năm 2005. Như vậy sẽ áp dụng “Luật đất đai 2013” để giải quyết tranh chấp.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.