Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư bị xử lý như thế nào?
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư được tiến hành như sau:
Thứ nhất: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng;
– Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thực hiện việc đăng ký hành nghề với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp chuyển Đoàn luật sư.
Thứ hai: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký
– Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên.
Thứ ba: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa;
– Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP;
– Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam khi giấy phép hành nghề đã hết hạn;
– Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư.
Thứ tư: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Luật sư hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề luật sư; chưa được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
– Luật sư nước ngoài hoạt động không đúng hình thức, phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
– Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của người khác để hành nghề luật sư;
– Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa giả.
Thứ năm: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Làm giả chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa;
– Mạo danh luật sư để hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào;
– Cố ý trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước;
– Sách nhiễu, lừa dối khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;
– Hành nghề luật sư khi không có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư;
– Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề.
Thứ sáu: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng đối với một trong các hành vi sau:
– Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc ký hợp đồng thiếu một trong các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Luật luật sư;
– Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ, việc;
– Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;
– Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;
– Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
– Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ bảy: Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Thứ tám: Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 4, các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 5, Điểm a và Điểm b Khoản 6 Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.