Các nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật? Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật? Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật?
Sản xuất nông nghiệp có những vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân. Hiện nay, vì những vấn đề sâu bệnh mà gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cây trồng. Chính vì thế mà việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang rất được người nông dân quan tâm nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng, cho nông lâm sản hay để điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ đồng ruộng cho đến kho bảo quản. Với những vai trò mà nó mang lại, thuốc bảo vệ thực vật đang ngày càng trở nên đa dạng và phong phú về mọi mặt trên tất cả các loại cây trồng. Khi sản xuất ra các loại thuốc bảo vệ thực vật mới thì các cá nhân, tổ chức phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Các nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
Để hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì các chủ thể cần phải tuân thủ thực hiện các nguyên tắc được pháp luật quy định cụ thể sau đây:
– Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ.
Việc bảo vệ và kiểm dịch thực vật cần phải được thực hiện nhằm phát hiện sớm và đưa ra các kết luận chính xác để có thể xử lý triệt để và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ đối với thực vật.
– Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt.
Phải thực hiện bảo vệ và kiểm dịch thực vật để phòng ngừa các thiệt hại xảy ra, tránh để khi thiệt hại xảy ra mới nghĩa cách giải quyết bởi vì như vậy, thực vật đã có những tổn thất cụ thể, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp cho người dân.
– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
Thuốc bảo vệ thực vật về bản chất là một loại thuốc độc. Chính bởi vì vậy mà việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài những tác dụng còn có những thiệt hại lớn. Chính bởi vì vậy mà nguyên tắc rất quan trong để bảo vệ và và kiểm dịch thực vật đó là phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách.
– Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có những vai trò và mang lại những hiệu quả to lớn. Tuy nhiên vẫn phải kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân để việc sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất và tránh những tổn hại và các chi phí không cần thiết.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật:
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết với chủ thực vật.
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền được tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền được tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động của mình.
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật. Việc đưa ra các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật và đảm bảo các nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức này đối với các cá nhân, tổ chức khác và đói với nhà nước.
3. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật:
Theo quy định chung về quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại Điều 48
Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép.
Theo Điều 51 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật như sau:
“1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
b) Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
c) Mẫu nhãn thuốc bảo vệ thực vật;
d) Kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
b) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm và có thể được gia hạn”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định cụ thể như sau:
– Cơ quan thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật:
Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn.
– Thời hạn thực hiện:
Pháp luật quy định là 06 tháng kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
– Cách thức thực hiện:
Các chủ thể có thể nộp hồ sơ qua các cách thức sau:
+ Thứ nhất: Trực tiếp.
+ Thứ hai: trực tuyến.
+ Thứ ba: Bưu chính.
– Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các bước sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cục bảo vệ thực vật.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả hồ sơ và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
+ Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa thuốc bảo vệ thực vật vào Danh mục; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong thời hạn 06 tháng.
+ Đối với trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng được quy định, Cục Bảo vệ thực vật
+ Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật thì Cục Bảo vệ thực vật trả lời cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu được ban hành sẵn.
+ Bản sao chụp Giấy phép khảo nghiệm đã được cấp.
+ Mẫu nhãn thuốc.
+ Bản chính kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học, kết quả khảo nghiệm xác định thời gian cách ly và báo cáo tổng hợp kết quả khảo nghiệm theo mẫu được ban hành sẵn.
– Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy và 01 bản điện tử.
– Kết quả thực hiện: Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật (Có giá trị trong thời hạn 05 năm).