Theo Điều 10 Nghị định 19/2015/NĐ-CP thì trong hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan quản lý và các đơn vị có trách nhiệm sau:
Theo Điều 10 Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường thì trong hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan quản lý và các đơn vị có trách nhiệm sau:
1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
– Xây dựng và ban hành các hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
– Thống nhất quản lý nhà nước về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
– Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;
– Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;
– Định kỳ kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi tắt là Bộ, ngành):
– Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan tới cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;
– Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức triển khai các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP;
– Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại các quỹ bảo vệ môi trường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
– Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;
– Kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý;
– Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
4. Trách nhiệm của quỹ bảo vệ môi trường:
– Tiếp nhận và xác nhận bằng văn bản về việc ký quỹ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;
– Hoàn trả tiền ký quỹ và lãi suất tiền ký quỹ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định;
– Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ;
– Đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đúng hạn; kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về việc chậm ký quỹ.
5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản
– Lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung;
– Thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định;
– Lập, trình cấp có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung;
– Nộp phí thẩm định, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung theo quy định của pháp luật;
– Báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.