Do sơ xuất chị B làm rơi vé gửi xe. A nhặt được và ngang nhiên lấy xe từ chỗ gửi xe ra. Hành vi của A có cấu thành tội phạm không?
Tóm tắ câu hỏi:
Chị B đi siêu thị, tới gửi xe tại bãi và nhận 1 vé gửi xe, sau đó vào siêu thị mua đồ.Trong quá trình thanh toán, chị có làm rơi vé xe. Anh A nhặt được, không những không gửi trả, mà còn ra bãi gửi xe, mang theo 1 cây kìm cộng lực tìm đúng chiếc xe của chị B và tiến hành phá khóa.Sau đó, A dắt xe ra khỏi khu vực bãi gửi, trình thẻ gửi xe cho bảo vệ và đi mất.Hỏi A phạm tội gì? Vì sao?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trường hợp này A phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị ngươi phạm tội lấy đi một cách công khai).
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi và bổ sung năm 2009.
“Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Hành hung để tẩu thoát;
B) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
C) Tái phạm nguy hiểm;
D) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản biết tài sản đó đang có người quản lý nhưng vẫn muốn tài sản đó thuộc về mình, họ cũng biết rằng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản hành vi chiếm đoạt của họ nên họ thực hiện hành vi 1 cách công khai, không sử dụng bạo lực, đe dọa hay uy hiếp tinh thần của chủ tài sản.
Do bạn không nói rõ giá trị chiếc xe nên sẽ căn cứ giá trị chiếc xe để xác định A phạm tội thuộc khoản nào từ đó xác định hình phạt cho A.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.