Chính sách như hiện nay là một trong những mặt hạn chế khiến việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật chưa thực sự đạt hiệu quả.
Mặc dù đã có tương đối nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật và đặc biệt là sự ra đời của luật khuyết tật vào năm 2010, nhưng không thể phủ nhận chính sách như hiện nay là một trong những mặt hạn chế khiến việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật chưa thực sự đạt hiệu quả.
– Thứ nhất, Luật người khuyết tật có hiệu lực từ 1/1/2011 nhưng phải đến gần đây Chính phủ mới ban hành nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012) và tại nghị định vấn đề giải quyết việc làm đối với người khuyết tật chỉ được đề cập ở 3 điều 8, 9, 10 quy định về chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức cá nhân giải quyết việc làm đối với người khuyết tật nên việc thực hiện các quy định về giải quyết việc làm đối với người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế. Vì vậy nhà nước cần sớm có những quy định chi tiết hơn nữa các vấn đề liên quan đến giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Đây là đòi hỏi cấp thiết khi bộ máy thực thi pháp luật còn có nhiều hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm
– Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 33 Luật người khuyết tật quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Nhưng như thế nào được coi là môi trường làm việc phù hợp thì pháp luật chưa có quy định cụ thể.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Thứ ba, Luật người khuyết tật được ban hành thì quy định chính sách nhận người khuyết tật tại điều 35 theo hướng không bắt buộc các đơn vị sử dụng lao động về nhận lao động là người khuyết tật mà chỉ khuyến khích các đơn vị này nhận người khuyết tật vào làm việc vì kết quả của quy định hiện hành bắt buộc doanh nghiệp nhận tỉ lệ 2-3% người khuyết tật vào làm việc rất hạn chế. Đa số các doanh nghiệp không tuyển đủ 2- 3% người khuyết tật vào làm việc với nhiều lí do khác nhau như: việc làm tổ chức theo dây truyền , sức khỏe, trình độ của người khuyết tật không đáp ứng được yêu cầu của công việc, phần lớn doanh nghiệp không tuyển được người khuyết tật vì họ ít được đào tạo….các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào quỹ việc làm cho người khuyết tật theo quy định. Một số ít địa phương lập được quỹ song lại bế tắc trong việc sử dụng quỹ cho việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu chi và sử dụng quỹ. Do vậy, chính sách nhận người khuyết tật được quy định theo hướng khuyến khích, mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật phù hợp với hoạt động của mình.