Một số quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh? Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong các hiệp hội ngành nghề?
Hiện nay, canh tranh là một quá trình tất yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp. Quá trình cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực để đạt được lợi thế hơn so với các đối thủ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi phải đối mặt với cạnh tranh, thay vì nỗ lực điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới thì các doanh nghiệp này đã chọn một con đường dễ dàng hơn đó là dàn xếp, thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường về giá cả, sản xuất, thị trường, khách hàng nhằm mục đích duy trì thị phần và lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp cùng tham gia thỏa thuận đó. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có những ý nghĩa tiêu cuực và cần đưa ra những hình phạt nghiêm khắc cho những doanh nghiệp tham gia vào thoả thuận này. Bài viết dưới đay Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong các hiệp hội ngành nghề.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Một số quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh:
1.1.Khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh:
Theo khoản 2 điều 3
Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm các hành vi sau:
– Thứ nhất: hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thứ hai: Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
– Thứ ba: Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền.
Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 3
Pháp luật định nghĩa các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh về bản chất là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động để hạn chế cạnh tranh.
Như định nghĩa đã nêu trên, về cơ bản, ta có thể hiểu, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thỏa thuận phối hợp hoạt động với nhau giữa các doanh nghiệp độc lập để thủ tiêu cạnh tranh giữa chúng , nâng cao vị thế của các thành viên tham gia thỏa thuận, cản trở sự tham gia thị trường của các đối thủ cạnh tranh khác cũng như sự nhập cuộc của các doanh nghiệp tiềm năng mà không cần phải có sự nỗ lực phấn đấu trên thương trường.
1.2. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:
Theo quy định tại Điều 11 Luật cạnh tranh 2018, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm các hành vi như sau:
– Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
– Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh là thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
1.3. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm:
Theo quy định tại Điều 12 Luật cạnh tranh 2018 đưa ra quy định về các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị pháp luật cấm như sau:
“1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật này.
2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật này.
3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
4. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật cạnh tranh, từ những quy định về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thì ta rút ra được các hành vi thỏa thuận bị cấm tuyệt đối và các hành vi thỏa thuận bị cấm có điều kiện đối với các doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất: Hành vi thỏa thuận bị cấm tuyệt đối:
– Hành vi để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị cấm tuyệt đối.
– Hành vi ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
– Hành vi loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
Thứ hai: Các hành vi thỏa thuận bị cấm có điều kiện:
– Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan về các vấn đề sau đây:
+ Ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
+ Phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, bao gồm:
+ Hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
+ Áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
+ Không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
+ Hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
+ Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh
– Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định gây ra các tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường về các vấn đề được nêu trên.
Cũng theo quy định của pháp luật, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi bị phát hiện sẽ bị coi là vô hiệu và phải gánh chịu các hậu quả pháp lý nhất định. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, các tổ chức, cá nhân khi xác lập, thực hiện những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hay còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả mà pháp luật cạnh tranh quy định.
Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong các hiệp hội ngành nghề:
Trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam hiện nay thì một hình thức thỏa thuận nữa cũng rất phổ biến là hình thức thỏa thuận trên cơ sở hiệp hội ngành nghề, đây là tình trạng phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trong hiệp hội. Cho đến nay, Việt nam vẫn chưa có luật hoặc pháp lệnh nào quy định việc hình thành và tổ chức của các hiệp hội. Cho đến khi luật cạnh tranh được ban hành, các hiệp hội vẫn có thể công khai thỏa thuận về giá sản phẩm dịch vụ mà hiệp hội cung cấp. Một số hiệp hội ràng buộc các thành viên trong việc định giá, điều này có thể thấy khi xuất hiện 7 công ty thuộc Hiệp hội phân bón Việt Nam , chiếm 85% thị phần trên thị trường cung cấp phân bón trong nước, thỏa thuận giữ giá bán tối thiểu. Sự thống nhất giữa giá bán tối thiểu đó dường như đã góp phần đẩy giá phân bón tăng cao trong nhiều năm và gây bất lợi cho nông dân. Tương tự như vậy, giá tân dược tăng quá cao so với khu vực và thế giới cũng đặt ra nhiều ghi vấn về những thỏa thuận độc quyền đã nâng giá hàng hóa khi tiêu thụ tại Việt Nam.
Ngoài ra các hiệp hội còn thống nhất phương thức tính giá ( ví dụ : 1 hiệp hội taxi quy định giá dịch vụ tối thiểu cho mỗi km và phương thức tính giá cước cho các doanh nghiệp thành viên), kìm giữ giá ( ví dụ: như lãi suất ngân hàng, mức phí bảo hiểm); phân chia khu vực ảnh hưởng ( ví dụ: hiệp hội taxi ngầm phân định các tuyến dịch vụ của doanh nghiệp thành viên) và thậm chí còn ép các đơn vị không phải là thành viên phải tuân thủ những quy định hạn chế cạnh tranh này.
Sự thỏa thuận ở mức độ tương đối cao giữa các doanh nghiệp trong các hiệp hội ở Việt Nam hiện nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung. Mức độ tác hại của sự thoả thuận giữa các doanh nghiệp hoàn toàn giống như tác động tiêu cực của tập trung kinh tế, đặc biệt là ở việc lạm dụng vị thế độc quyền (nhóm) trong việc nâng giá hoặc giảm chất lượng sản phẩm (trong trường hợp giá phải chịu sự quản lý của Nhà nước.