Khi quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp để giúp cho việc bảo vệ quyền của cá nhân đạt được hiệu quả.
Quyền đối với hình ảnh của cá nhân là một trong những quyền nhân thân quan trọng. Khác với các quyền dân sự khác, quyền nhân thân thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống của cá nhân, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của cá nhân. Trước hết, nó có tác dụng kịp thời ngăn chặn các hình vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, bảo đảm trật tự pháp lý xã hội và giáo dục ý thức pháp luật làm cho mọi người tôn trọng quyền nhân thân của cá nhân,mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các quyền nhân thân được thực hiện trên thực tế, khắc phục những hậu quả củacác hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt góp phần bảo đảm đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho cá nhân lao động và sáng tạo.
Tuy vậy, quyền nhân thân mà đặc biệt là quyền về hình ảnh của cá nhân có những đặc điểm khác các quyền dân sự khác như: không thể trị giá được bằng tiền, không thể chuyển giao cho người khác, trừ những trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định,… Vì vậy, việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm có một số khác biệt với việc bảo vệ các quyền dân sự khác như: các biện pháp bảo vệ được áp dụng đa dạng, việc khắc phục thiệt hại trong một số trương hợp phải do chính những người có hành vi xâm phạm đến quyền hình ảnh của cá nhân thực hiện, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục thiệt hại không thể tính toán cụ thể, chỉ là tương đối, mang tính giáo dục là chủ yếu,… Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ quyền về hình ảnh của cá nhân chịu sự ảnh hưởng rất lớn của cả các quy định pháp luật và điều kiện xã hội. Để nâng cao được hiệu quả bảo vệ quyền về hình ảnh của cá nhân ngoài góc độ pháp lý thì vấn đề này cũng cần được quan tâm nghiên cứu, xem xét kỹ cả dưới góc độ xã hội.
Để đảm bảo cho quyền nhân thân nói chung và quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh, thì pháp luật quy định tại Điều 25 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền:
1. Tự cải chính;
2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;
3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”
Theo quy định tại điều luật này thì cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm được áp dụng các biện pháp dân sự để bảo vệ quyền dân sự của mình như:
– Tự mình cải chính: là biện pháp cho phép người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm kịp thời bảo vệ quyền của mình, hạn chế được hậu quả thiệt hại cả về mặt vật chất và tinh thần do những tin tức sai lệch gây ra.
– Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm: là biện pháp bảo vệ quyền của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm. So với biện pháp tự cải chính thì biện pháp này được áp dụng trong một phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này thông thường chỉ có hiệu quả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của mình. Nếu người có hành vi xâm phạm không nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ thì người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm phải áp dụng biện pháp bảo vệ khác mới bảo vệ được quyền lợi của mình.
>>> Luật sư
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm: đây là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có hiệu quả cao vì sau khi nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy định buộc người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân chấm dứt hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân đó. Trên thực tế, biện pháp này thường được người có hình ảnh cá nhân bị xâm phạm áp dụng trong trường hợp đã yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật nhưng không được đáp ứng. Trong các cơ quan nhà nước áp dụng biện pháp dân sự thì
– Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại: đây là biện pháp được thực hiện khi người có hành vi xâm phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho họ. Nếu có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần thì cá nhân đó có quyền yêu cầu người có hành vi trái pháp luật bồi thường thiệt hại. Nếu người đó không chịu bồi thường thì cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu càu Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy có thể nhận thấy rằng, bảo vệ quyền nhân thân nói chung và bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng có thể được chia thành hai phương thức là: Tự bảo vệ và bảo vệ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp để giúp cho việc bảo vệ quyền của cá nhân đạt được hiệu quả. Ngoài các biện pháp bảo vệ theo quy định luật dân sự, pháp luật còn quy định các biện pháp hành chính và biện pháp hình sự khác để bảo vệ quyền về hình ảnh của cá nhân.