Khoản 3, Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Bắt người là biện pháp ngăn chặn mang tính cưỡng chế nghiêm khắc, bắt người đúng pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội,…Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định cụ thể các trường hợp bắt người, đó là: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; Bắt người trong một số trường hợp đặc biệt.
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là một biện pháp khá quan trọng, có hiệu quả trong những tình thế cấp thiết nhất, đảm bảo sự kịp thời và thuận lợi trong việc ngăn chặn tội phạm nói riêng cũng như công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Khoản 3, Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, theo đó: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh, họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lí do bắt. Lệnh bắt phải có chữ kí của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp có một số điểm khác so với thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam; đó là:
Thứ nhất: Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp không cần sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
Quy định như vậy nhằm đảm bảo cho việc bắt đạt hiệu quả và kịp thời, đúng như tên gọi “khẩn cấp” của trường hợp bắt người này, nếu trì hoãn không tiến hành ngay thì sẽ mất thời cơ ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người có hành vi phạm tội trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc điều tra khám phá tội phạm. Việc phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát đối với lệnh bắt khẩn cấp trước khi thi hành sẽ là một sự “trì hoãn” làm mất đi tính chất cấp bách của trường hợp bắt người này.
Thứ hai: Sau khi đã bắt người, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản cùng các tài liệu liên quan để xét và phê chuẩn. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ bắt khẩn cấp trước khi quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt. Trường hợp cần thiết Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả tự do ngay cho người bị bắt (thời hạn xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp quy định cho viện kiểm sát là 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp).
Thứ ba: Trong trường hợp khẩn cấp được bắt người vào bất kỳ lúc nào, không kể ban ngày hay ban đêm.