Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình đối với bản thiết kế trang sức thì cô em có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm trang sức không? Thủ tục thực hiện như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà em có người cô mở doanh nghiệp kinh doanh trang sức. Vừa qua có một cuộc thi sáng tạo về trang sức, trong đó có một bộ thiết kế trang sức đạt giải cao mà cô em rất thích nên quyết định mua bản thiết kế đó về sản xuất mặt hàng mới. Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình một cách tối đa nhất đối với bản thiết kế trang sức đó thì cô em có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp và độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm trang sức đó không? Thủ tục thực hiện như thế nào? Rất mong luật sư tư vấn giúp! Em rất cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về điều kiện đối với kiểu dáng công nghiệp được đăng kí bảo hộ độc quyền được quy định tại các Điều 63, 65, 66 và 67 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, về trình tự thủ tục đăng kí độc quyền kiểu dáng công nghiệp:
a. Trình tự thực hiện:
– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
– Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
– Thẩm định nội dung đơn: Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
b. Cách thức thực hiện:
– Trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng;
– Qua bưu điện.
c. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Tờ khai (02 tờ theo mẫu);
+ Bộ ảnh chụp/Bản vẽ (05 bộ);
+ Bản mô tả (01 bộ);
+ Các tài liệu có liên quan;
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
d. Thời hạn giải quyết:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
– Công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
– Thẩm định nội dung: 06 tháng từ ngày công bố đơn.
đ. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.
e. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.
g. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
– Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
– Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
h. Lệ phí:
– Lệ phí nộp đơn: 180.000 đồng.
– Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng.
– Phí thẩm định nội dung: 300.000 đồng.
– Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
– Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, về việc đăng kí độc quyền nhãn hiệu đối với kiểu dáng công nghiệp: Pháp luật không có quy định về việc đăng kí độc quyền nhãn hiệu đối với một kiểu dáng công nghiệp riêng biệt, mà việc đăng kí độc quyền nhãn hiệu nhằm bảo hộ sự độc quyền của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu riêng mà doanh nghiệp đó dùng để tạo ra sự khác biệt trên hàng hoá, dịch vụ của họ với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Về cơ bản, khi doanh nghiệp của cô bạn đã đăng kí độc quyền kiểu dáng công nghiệp và được chấp thuận thì doanh nghiệp đã được bảo hộ độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó rồi, và mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất theo kiểu dáng công nghiệp đó đã mang nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Bùi Minh Ngọc