Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kì trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam.
– Định nghĩa cán bộ, công chức:
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kì trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, dơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của sự nghiệp công lập thì lương được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật
– Những con đường hình thành cán bộ, công chức:
Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm. Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước được thực hiện theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân,..
Công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm: Tuyển dụng công chức do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế được giao. Cơ quan thực hiện việc tuyển dụng công chức được quy định tại Điều 39 Luật cán bộ, công chức. Sau đó, người được tuyển dụng thực hiện chế độ tập sự, Hết thời gian tập sự, họ được xem xét để bổ nhiệm và xếp lương vào làm việc tại cơ quan, đơn vị sử dụng công chức.
– Vấn đề quản lý cán bộ, công chức: Quản lí cán bộ, công chức là hoat động có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần quyết định vào việc nâng cao hiệu lực của quản lý hành chính nhà nước. Pháp luật cán bộ, công chức hiện hành quy định 5 nội dung chính trong quản lí cán bộ, công chức như sau:
+ Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức
+ Xây dựng quy hoạch, kế hoạch cán bộ, công chức
+ Quy định chức danh và cơ cấu cán bộ
+ Quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế.
+ Các công tác khác liên quan đến quản lý cán bộ, công chức.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Đề bạt, luân chuyển, điều động, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức: được quy định từ điều 50 đến 54 Luật cán bộ, công chức.
Đề bạt là việc của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định đề cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức vào một vị trí khác trong cơ quan, tổ chức đó.
Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo quản lí được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lí khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ,
Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác,
Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ,
Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời gian bổ nhiệm,
Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ.
Qua sự phân tích ở trên, ta có thể thấy Luật cán bộ, công chức không quy định rõ việc chuyển đổi cán bộ, công chức mà chỉ đề cập đến vấn đề luân chuyển hay điều động cán bộ, công chức từ đơn vị, tổ chức này đến đơn vị, tổ chức khác