Gặp lý do khách quan trong quá trình vận chuyển thì trách nhiệm của bên vận chuyển đối với người nhận hàng được xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty A ký Hợp đồng bán cho Công ty B một lô hàng thực phẩm tươi sống. Theo hợp đồng, bên A sẽ giao hàng tại kho của bên B. Để đảm bảo thực hiện Hợp đồng, bên A đã ký Hợp đồng với Công ty C – 1 công ty chuyên kinh doanh dịch vụ Logistics để công ty này tổ chức vận chuyển và giao hàng cho bên B. Trên đường vận chuyển, đoàn xe của Công ty C bị trưng dụng để khắc phục hậu quả thiên tai vì thế hàng hóa được vận chuyển đến kho của bên B chậm 5 ngày và đã có dấu hiệu giảm sút về mặt chất lượng nhưng vẫn trong thời hạn sử dụng. Bên B đã yêu cầu bên A thay thế hàng hóa mới đồng thời phải bồi thường thiệt hại do việc giao chậm hàng hóa. Luật sư cho em hỏi: Thời điểm chuyển rủi ro đối với lô hàng nói trên là khi nào? Trách nhiệm của các bên A và C trong trường hợp này là như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Luật thương mại năm 2005 Điều 36. Trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển có quy định
“1. Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hoá được vận chuyển.
2. Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hoá thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.
3. Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.”
Áp dụng quy định trên, trong trường hợp này thì công ty A phải thông báo cho công ty B biết là công ty A đã đã ký Hợp đồng với Công ty C – 1 công ty chuyên kinh doanh dịch vụ Logistics để công ty này tổ chức vận chuyển và giao hàng cho bên B.
Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, đoàn xe của Công ty C bị trưng dụng để khắc phục hậu quả thiên tai vì thế hàng hóa được vận chuyển đến kho của bên B chậm 5 ngày và đã có dấu hiệu giảm sút về mặt chất lượng nhưng vẫn trong thời hạn sử dụng. Bên B đã yêu cầu bên A thay thế hàng hóa mới đồng thời phải bồi thường thiệt hại do việc giao chậm hàng hóa. Như vậy, trong trường hợp này thời điểm chuyển rủi ro đối với lô hàng nói trên là tại thời điểm khi bên C giao hàng tại địa điểm xác định đối với công ty B.
Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 Điều 34. Bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra
1. Người có tài sản trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản trưng dụng bị mất;
b) Tài sản trưng dụng bị hư hỏng;
c) Người có tài sản trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra.
2. Mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra do người quyết định trưng dụng tài sản thỏa thuận với người có tài sản trưng dụng theo nguyên tắc quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Luật này. Trường hợp không thỏa thuận được thì người quyết định trưng dụng tài sản quyết định mức bồi thường; nếu người có tài sản trưng dụng không đồng ý với mức bồi thường này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản có thể thành lập hội đồng để xác định mức bồi thường.
3. Trường hợp người có tài sản trưng dụng không nhận bồi thường thì được ghi vào biên bản hoàn trả tài sản.
4. Trường hợp tài sản trưng dụng là tài sản nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bị mất hoặc bị hư hỏng thì được bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để mua mới hoặc sửa chữa."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy,theo điều luật trên, trong trường hợp này thì nếu như trong hợp đồng có điều khoản quy định về bồi thường thiệt hại nếu như trong quá trình vận chuyển có thiên tai xảy ra thì các bên sẽ thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng. Nếu không có quy định về điều khoản trên thì trong trường hợp này thì bên công ty A và C có thể đề nghị lên cơ quan nhà nước để giải quyết.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.