Khái niệm và ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự? Cơ sở của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự? Nội dung nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự? Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015?
Mỗi ngành luật đều có những nguyên tắc riêng biệt, là “kim chi nam” cho việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật của ngành luật đó. Vì vậy, cũng giống như các ngành luật khác, Luật tố tụng dân sự cũng có các nguyên tắc của nó, trong đó nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” là nguyên tắc đặc trưng trong tố tụng dân sự nói riêng và trong lĩnh vực tố tụng nói chung. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, các Thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để ra bản án, quyết định đúng pháp luật.
Luật sư
1. Khái niệm và ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự?
1.1. Khái niệm nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong tố tụng dân sự
Khái niệm “tranh tụng” được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loại người. Các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật đều thống nhất loại hình tố tụng đầu tiên xuất hiện trong lĩnh sử của các hình thái xã hội là tố tụng tranh tụng. Loại tố tụng này được áp dụng tại Hy Lạp cổ đại, sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”.
Về mặt pháp lý, khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.
Xung quanh khái niệm tranh tụng có nhiều quan điểm khác nhau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: “tranh tụng chỉ là mối tương quan pháp lý giữa các đương sự”
– Quan điểm thứ hai cho rằng: “Sự tranh tụng phát sinh ra hai mối tương quan giữa các đương sự tranh nại với nhau và giữa các đương sự và Quốc gia, mà đại diện của Tòa án có thẩm quyền”
Theo nghĩa rộng, tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện, khởi tố và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Còn theo nghĩa hẹp, quá trình tranh tụng được tiến hành tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi có sự tham gia tranh luận của các bên đương sự.
Từ những phân tích ở trên, dưới góc độ khoa học học luật tố tụng dân sự, khái niệm tranh tụng có thể diễn giải như sau: Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu pháp luật theo đó các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tung dân sự quy định.
Tranh tụng trong tố tung dân sự còn là một nguyên tắc bảo đảm cơ bản cho một nền công lý trong sạch, trung thực và công bằng,…do đó, tranh tụng không chỉ bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về mặt pháp lý cho mọi cá nhân, tổ chức mà còn là nguyên tắc để tạo điều kiện cho việc đạt được sự bình đẳng, công bằng về thực tế cảu các cá nhân, tổ chức đó.
Theo giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội thì nguyên tắc của luật tó tụng dân sự Việt nam được hiểu là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng dân sự và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự.
Như vậy, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật để giải quyết vụ án dân sự. Theo đó, các bên đương sự có quyền xuất trình, trao đổi chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận theo yêu cầu của mình, phản bác yêu cầu đối lập trước tòa án và tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng để quyết định về việc giải quyết vụ án dân sự.
1.2. Ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự?
Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự mang nhiều ý nghĩa quan trọng trên cơ sở ghi nhận nội dung cơ bản của nguyên tắc này:
Thứ nhất, đảm bảo cho đương sự được biết và trình bày về ý kiến về yêu cầu và chứng cứ của người khác đối với mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án.
Thứ hai, đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện tranh tụng thể hiện ở hai điểm (i) pháp luật đảm bảo cho các đương sự có các quyền bình đẳng với nhau ở các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, (ii) quyền bình đẳng của các đương sự được đảm bảo thực thi trên thực tế.
Nguyên tắc này đảm bảo trong quá trình tố tụng dân sự mọi tổ chức, cá nhân đều có vị trí như nhau, không có sự phân biệt, đối xử giữa nhưng người tham gia tố tụng, phân biệt, đối xử giữa những người tham gia tố tụng, phân biệt đối xử theo các dấu hiệu nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội và các dấu hiệu khác. Bình đẳng phải được đảm bảo giữa các nguyên đơn và bên bị đơn, giữa những người tham gia tố tụng khác. Là cơ sở pháp lý bảo đảm cho các chủ thể tham gia tố tụng có cơ hội, điều kiện ngang nhau trong quá trình tố tụng.
Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng còn là cơ sở pháp lý đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, tính khách quan, sự vô tư từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc đề cao tính dân chủ, công khai minh bạch trong hoạt động xét xử.
2. Cơ sở của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự?
Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được hình thành trên những cơ sở sau đây:
Thứ nhất, quyền được xét xử bình đẳng và công bằng của pháp luật
Trước hết, bình đẳng thể hiện ở sự ngang bằng về quyền giữa các bên trong tố tụng, Các bên đương sự có quyền như nhau trong việc đưa ra chứng cứ, quan điểm, yêu cầu là những đòi hỏi đầu tiên của công bằng trong xét xử. Bên cạnh đó, Tòa án cần phải độc lập, không thiên vị cũng là nội dung quan trọng đảm bảo công bằng, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết về việc giải quyết vụ án.
Quyền được xét xử công bằng là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong cả các vụ án hình sự và dân sự. Mọi người đều bình đẳng về quyền xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ.
Nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong tố tụng dân sự là cụ thể hóa nguyên tắc quyền được xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế.
Thứ hai, xuất phát từ đặc trưng của tố tụng dân sự khi giải quyết một vụ, việc dân sự chính là giải quyết mối quan hệ giữa các đương sự với nhau. Chính vì vậy, lợi ích trong mối quan hệ này là lợi ích tư chứ không phải lợi ích công. Do đó, để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình, các bên đương sự được quyền chứng minh các lợi ích đó của mình là hợp pháp trước tòa án.
Thứ ba, tranh tụng trong tố tụng dân sự cũng xuất phát từ yêu cầu thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của nước ta, trước những yêu cầu của việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực.
3. Nội dung nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự?
Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự có các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, các đương sự phải có quyền biết và trình bày ý kiến về những vấn đề mà người khác có yêu cầu đối với mình về quyền và nghĩa vụ dân sự. Bảo đảm tranh tụn chỉ thực sự hiệu quả nếu mỗi đương sự biết được đầy đủ và toàn diện các yêu cầu cũng như chứng cứ và lý lẽ chống lại họ. Bản thân đượng sự chính là những người biết rõ nhất về nguyên nhân cũng như tình tiết vụ án liên quan đến họ vì lẽ đó đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án.
Thứ hai, các chủ thể tham gia tố tụng dân sự đều có quyền bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện quyền tranh tụng. Bản chất của tố tụng dân sự là quá trình tranh tụng giữa các chủ thể tham gia tố tụng trên cơ sở các quy định của pháp luật để nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Quá trình này chỉ đạt được mục đích khi các chủ thể tham gia tranh tụng được bình đẳng với nhau trước tòa án.
Thứ ba, Tòa án bảo đảm cho các đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự một cách bình đẳng, công khai và đúng pháp luật, bản án, quyết định của Toa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Để đương sự có thể thực hiện đầy đủ quyền của mình thì Tòa án phải là cơ quan đảm bảo cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác hiểu biết và đủ điều kiện cơ bản để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đó đặc biệt là quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của họ theo quy định của pháp luật.
4. Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015?
Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 24. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.
2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ
3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.”
Trên cơ sở điều luật này, tác giả phân tích một cách cụ thể như sau:
4.1. Chủ thể tham gia vào hoạt động bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự
Tòa án là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự. Trong đó, Tòa án phải thực hiện các chức năng: bảo đảm quyền bình đẳng của các đương sự trước pháp luật; Tòa án giữ vao trò điều hành tranh tụng; Tòa án xem xét công khai mọi tài liệu, chứng cứ, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án.
Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là các chủ thể chính tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự. Chủ thể tham gia tranh tụng trong vụ án dân sự là các đương sự hay cụ thể hơn đó là các nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Để bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự, BLTTDS năm 2015 quy định cho các chủ thể này bình đẳng trước Tòa án trong việc đưa ra chứng cứ và thể hiện sự đánh giá của mình về các chứng cứ trong vụ án cũng như quan điểm giải quyết vụ án.
4.2. Thời điểm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự
Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình bắt đầu từ khi nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quá trình này không chỉ bao gồm các giai đoạn khởi kiện, chuẩn bị xét xử, thu thập, trao đổi chứng cứ, tài liệu, quan điểm về việc giải quyết vụ án, đối chất, hòa giải giữa các bên, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm mà cả khi vụ án được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì việc bảo đảm tranh tụng được thể hiện một cách rõ nết, tập trụng nhất.
4.3. Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng gắn liền với hoạt động thu thập, giao nộp, đánh giá chứng cứ
Vấn đề chứng cứ là vấn đề trung tâm trong tố tụng dân sự và trong thực tiễn hoạt động xét xử. Nghệ thuật tranh tụng đồng nghĩa với nghệ thuật sử dụng chứng cứ. Hoạt động chứng minh suy cho cùng là hoạt động sử dụng chứng cứ trên cơ sở cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Do vậy, hoạt động chứng minh sẽ không thể thực hiện được nếu không có chứng cứ. Chứng cứ là cơ sở duy nhất và cũng là phương tiện duy nhất để chứng minh trong các vụ việc dân sự. Nếu không dựa vào chứng cứ Tòa án không thể tái hiện lại đúng tính tiết các vụ việc dân sự, không xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, vì vậy, việc nhận thức đúng đắn về vấn đề chứng cứ sẽ là cơ sở lý luận, định hướng đúng đắn cho hoạt động chứng minh cũng như hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng dân sự.