Đầu tư phát triển là gì? Đầu tư cho giáo dục là gì? Tại sao nói: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển?
Giáo dục luôn là vấn đề mà các quốc gia đều quan tâm, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam – một quốc gia rất chú trọng đến giáo dục cho những mầm non tương lai của đất nước nên luôn sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là việc đầu tư dài hạn, nhằm mục tiêu phổ cập giáo dục toàn quốc. Nhà nước ta đã có những chính sách đầu tư phát triển giáo dục và có thể nói rằng: “ Chính sách đầu tư cho gáo dục là đầu tư cho phát triển”
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Đầu tư phát triển là gì?
Đầu tư phát triển là một hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, bởi lẽ đầu tư cho phát triển là hoạt động đầu tư trực tiếp nhằm tạo ra những năng lực mới trong sản xuất kinh doanh, tạo ra những tài sản mới cho nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản, đầu tư phát triển là việc dùng vốn có của hiện tại để tiến hành các hoạt động nhằm tạo ra những giá trị mới.
Theo đó, các hình thức đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định mới bao gồm:
(1) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
(2) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế,
(3) Dầu tư theo hình thức hợp đồng (hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công ty – PPP và
(4) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
– Đặc điểm của đầu tư phát triển:
Đầu tư phát triển có quy mô tiền vốn, vật tư, lao động cần thiết cho hoạt động đầu tư phát triển thường rất lớn. Vốn đầu tư lớn nằm khê đọng lâu trong suốt quá trình thực hiện đầu tư.
Đầu tư phát triển có thời kì đầu tư kéo dài: thời kì đầu tư tính từ khi khởi công thực hiện dự án đến khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
– Đầu tư phát triển có thời gian vận hành các kết quả đầu tư kéo dài: thời gian vận hành các kết quả đầu tư tính từ khi đưa công trình vào hoạt động cho đến khi hết thời hạn sử dụng và đào thải công trình.
– Trong suốt quá trình vận hành đầu tư phát triển, các thành quả đầu tư chịu sự tác động của cả 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội.
– Quá trình thực hiện đầu tư cũng như thời kì vận hành các kết quả đầu tư chịu ảnh hưởng lớn của các nhân tố về tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng.
– Đầu tư phát triển có độ rủi ro cao: do quy mô vốn đầu tư lớn, thời kì đầu tư kéo dài và thời gian vận hành các kết quả đầu tư cũng kéo dài…nên mức độ rủi ro của hoạt động đầu tư phát triển thường cao.
2. Đầu tư cho giáo dục là gì?
Bên cạnh đó, nhà nước ta còn có những chính sách đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho giáo dục.
Đầu tư cho giáo dục được hiểu là tiền vốn mà một quốc gia hoặc một khu vực đầu tư cho giáo dục để phát triển giáo dục. Đây cũng là một hình thức đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội, hoạt động đầu tư phát triển là hoạt động mang lại nguồn động lực cho phát triển kinh tế- xã hội.
Bởi lẽ, muốn phát triển giáo dục thì cần phải có các lớp học, trường học, ký túc xá, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, đội ngũ giáo viên….mà lượng tiền dùng trong xây dựng và phát triển tài nguyên trong giáo dục đó được gọi là kinh phí giáo dục hay đầu tư giáo dục. Hiện nay, đầu tư cho giáo dục ở mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhìn chung đều đầu tư với mục đích phát triển sự nghiệp giáo dục- là một cách để bảo đảm về mặt tài chính để làm cơ sở thực hiện các kế hoạch giáo dục, phát triển sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ nhân tài và chuẩn bị nguồn lao động cho tương lai…
Hiện nay, Nhà nước ta đã có rất nhiều những chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục, theo đó:
– Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Theo đó, phổ cập giáo dục trung học cơ sở có mục tiêu là bảo đảm cho hầu hết các thanh niên, thiếu niên sau khi tốt nghiệp tiểu học tiếp tục để đạt trình độ trung học cơ sở trước khi hết tuổi 18, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
– Để thực hiện cũng như tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi được quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật thì gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục các con em trong quá trình sống, lao động và học tập. Gia đình có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển toàn diện của những mầm non tương lai của đất nước, là nơi chu cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho việc học tập của con em mình.
– Bên cạnh đó, phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Nhà nước có những chính sách về thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở nhằm phát triển và xây dựng hệ thống giáo dục. Đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà đấy mà là trách nhiệm của toàn xã hội, nhà nước và của toàn dân.
– Theo đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhà nước đã chi nguồn ngân sách nhà nước đẻe tập trung đầu tư cho giáo dục phổ cập, đặc biệt là giáo dục phổ cập ở những vùng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh đó còn tạo điều kiện và đầu tư giáo dục cho những đối tượng chính sách xã hội, giáo dục năng khiếu và tài năng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo những ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn… Ngoài ra Nhà nước còn còn đầu tư cho giáo dục để nâng cao tính tự chủ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển năng lực hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhà nước có những chính sách phát triển, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân có cơ hội được tham gia giáo dục phổ cập đến tất cả những đối tượng góp phần thúc đẩy, đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục.
– Phát triển sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Theo đó, mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn. Hiện nay, Việt Nam có những chính sách đẩy mạnh cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm, nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị, kinh tế, xã hội trong phát triển đào tạo. Việc quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng và gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần từng bước xây dựng và phát triển sự nghiệp học tập.
3. Tại sao nói: “ Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”?
– Hiện nay, Nhà nước ta ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là hình thức đầu tư dài hạn và mang tính bảo đảm về mặt tài chính cho hiện đại hoá giáo dục. Đầu tư cho giáo dục khác với đầu tư cho các loại hình sản xuất khác, bởi lẽ đầu tư cho giáo dục mang tính căn bản, việc đầu tư cho giáo dục có mối liên hệ trực tiếp tới sự phát triển về lâu về dài của một quốc gia, một khu vực. Chính vì vậy mà nhà nước ta đã có những sự ưu tiên nhất định cho giáo dục cũng như có những chính sách để khuyến khích và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài như : có những phần thưởng, giải thưởng dành cho những cá nhân, tổ chức, có thành tích xuất sắc và có công trong sự nghiệp giáo dục, hoặc có những suất học bổng danh giá ở trong nước và nước ngoài nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho những cá nhân, tổ chức đó có thể được học tập, nghiên cứu ở những môi trường học tập tốt hơn….
– Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục được hình thành chủ yếu là thu nhập quốc dân và tài sản quốc dân. Kinh phí giáo dục được đầu tư từ nguồn gây quỹ của Nhà nước được thực hiện sau khi có sự phân phối thu nhập quốc dân lần thứ hai. Việt Nam hiện nay là một nước đang phát triển nên việc tham gia vào thị trường toàn cầu, và việc tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết, gắn liền với tăng năng suất của lực lượng lao động và giáo dục đào tạo chính là yếu tố quan trọng quyết định.
Do vậy, việc đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư phát triển, và là “ chìa khoá vàng” để xây dựng một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, tạo tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế dựa trên sự tăng trưởng kinh tế- xã hội của quốc gia.