Hiến pháp năm 2013 đã quy định, bảo vệ tổ quốc được xem là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của mỗi công dân. Vậy công dân 27 tuổi có được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự hay không?
Mục lục bài viết
1. 27 tuổi có được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự không?
Trước hết, cần tìm hiểu các trường hợp thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có quy định cụ thể về trường hợp miễn gọi nhập ngũ. Theo đó, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ được miễn gọi nhập ngũ;
– Là con của liệt sĩ, con của thương binh hạng I;
– Được xác định là anh một hoặc em trai một của liệt sĩ;
– Một con của những đối tượng được xác định là thương binh hạng II, một con của bệnh binh có mức độ khả năng suy giảm lao động từ 81% trở lên, một con của những người nhiễm chất độc màu da cam do tham gia chiến tranh này có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Những người làm công tác lực lượng cơ yếu không phải là quân nhân và công an nhân dân;
– Các đối tượng được xác định là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động công tác và làm việc đến những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian từ 24 tháng trở lên.
Về vấn đề độ tuổi nhập ngũ, căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Văn bản hợp nhất luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 có quy định cụ thể về độ tuổi nhập ngũ. Theo đó, công dân trong giai đoạn từ đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật sẽ được gọi nhập ngũ và tham gia nghĩa vụ quân sự, độ tuổi gọi nhập ngũ đối với công dân sẽ được thực hiện từ khi công dân đó đủ 18 tuổi cho đến khi công dân đó hết 25 tuổi trong trường học bình thường, còn đối với công dân được trải qua trình độ đào tạo cao đẳng hoặc đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân đó sẽ được kéo dài đến hết năm 27 tuổi.
Theo đó thì có thể nói, độ tuổi nghĩa vụ quân sự của công dân được thực hiện cụ thể như sau:
– Công dân từ đủ 18 tuổi sẽ được gọi nhập ngũ tham gia nghĩa vụ quân sự;
– Độ tuổi nhập ngũ trong trường hợp bình thường là khi công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi;
– Đối với những công dân được đào tạo trình độ đại học hoặc đào tạo trình độ cao đẳng đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân đó sẽ kéo dài đến hết 27 tuổi.
Đồng thời, trong quá trình xác định độ tuổi nhập ngũ của công dân, cũng cần phải lưu ý một số vấn đề nhất định để xác định độ tuổi sao cho phù hợp. Theo đó, pháp luật có quy định và nhắc nhiều đến các cụ từ “từ đủ” và “hết”, vì vậy tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự của công dân bắt buộc phải được tính tròn ngày, tròn tháng và tròn năm. Ví dụ: Công dân A có ngày tháng năm sinh là dd/mm/yyyy thì thời gian công dân đủ tuổi được tính cụ thể như sau:
– Đủ 18 tuổi: dd/mm/(yyyy + 18);
– Hết 25 tuổi (tức là trường hợp đủ 26 tuổi): dd/mm/(yyyy + 26);
– Hết 27 tuổi (tức là trường hợp đủ 28 tuổi): dd/mm/(yyyy + 28).
Như vậy, người 27 tuổi vẫn đang thuộc độ tuổi nghĩa vụ quân sự, vì vậy sẽ không được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự.
2. Công dân đáp ứng những tiêu chuẩn nào thì được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển quân tham gia nghĩa vụ quân sự. Theo đó, công dân cần phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây thì mới được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự:
– Cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về tuổi đời. Cụ thể như sau:
+ Công dân đáp ứng độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi;
+ Đối với những công dân nam được trải qua trình độ đào tạo cao đẳng hoặc đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian của một khóa đào tạo trong một chương trình đào tạo nhất định, thì hoạt động tuyển chọn và gọi nhập ngũ sẽ được kéo dài đến hết 27 tuổi.
– Cần phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chính trị. Cụ thể như sau:
+ Thực hiện đầy đủ theo Thông tư liên tịch
+ Đối với những cơ quan và đơn vị, vị trí trọng yếu cơ mật trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng tiêu binh, lực lượng nghi lễ, các lực lượng vệ binh và kiểm soát quân sự chuyên nghiệp sẽ thực hiện tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ quốc phòng.
– Cần phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Cụ thể như sau:
+ Chỉ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, sức khỏe loại 2, sức khỏe loại 3 căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch
+ Đối với những cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong lĩnh vực quân đội, lực lượng tiêu binh, lực lượng nghi lễ, lực lượng vệ binh và kiểm soát quân sự chuyên nghiệp sẽ thực hiện tiêu chuẩn tuyển chọn sức khỏe riêng biệt căn cứ theo quy định của Bộ quốc phòng;
+ Tuyệt đối không được gọi nhập ngũ vào quân đội đối với những công dân có sức khỏe loại 3 về tật khúc xạ mắt, tức là cận thị với mức độ 1.5 diop trở lên và viễn thị ở tất cả các mức độ, có hiện tượng nghiện ma túy hoặc nhiễm HIV/AIDS.
– Cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về tiêu chuẩn văn hóa. Cụ thể như sau:
+ Tuyển chọn và gọi nhập ngũ đối với những công dân có trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên, sẽ lấy từ cao xuống thấp. Đối với những địa phương có trình độ khó khăn, không đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu giao quân thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ cần phải lập văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định tuyển chọn phù hợp đối với các công dân có trình độ văn hóa từ lớp 7;
+ Đối với các xã thuộc vùng sâu vùng xa, những nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, những đồng bào dân tộc thiểu số có số lượng dưới 10.000 người thì hoạt động tuyển chọn sẽ không được phép vượt quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
Theo đó, công dân đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên thì sẽ đủ điều kiện để gọi tham gia nghĩa vụ quân sự.
3. 27 tuổi không thuộc trường hợp tạm hoãn nhập ngũ, nhưng không tuân thủ thì xử phạt thế nào?
Thực tế hiện nay, các thanh niên khi đến tuổi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự lại tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Và tuỳ vào mức độ vi phạm họ sẽ bị xử lý hành chính hay truy cứu hình sự. Cụ thể, theo khoản 7 Điều 1 của Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người vi phạm quy định về nhập ngũ sẽ bị phạt hành chính như sau:
– Phạt tiền 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng: Đối với các hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc công dân không có mặt tại địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng;
– Phạt tiền 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng: Đối với các hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi công dân đó đã đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định;
– Phạt tiền 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng: Đối với các hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Như vậy, công dân có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 75.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH 2019 Luật Nghĩa vụ quân sự;
– Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ;
– Thông tư 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.