Quyền được suy đoán vô tội vốn là một nguyên tắc khó trong tụng hình sự. Nên việc cần có Luật sư tham gia, bảo vệ quyền được suy đoán vô tội cho bị can, bị cáo là hết sức cần thiết.
Những đặc điểm, yêu cầu về vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền được suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự
Bộ luật TTHS năm 2015 đã tiếp thu những tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại, nội luật hóa quy định pháp luật quốc tế về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TTHS trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bảo đảm tính khách quan, công bằng đối với người bị buộc tội. Quyền được SĐVT đã được ghi nhận, tuy nhiên việc áp dụng nó trong thực tiễn tố tụng giải quyết vụ án đang bộc lộ những hạn chế. Do đó đặt ra những yêu cầu nhất định về vai trò của luật sư trong việc bảo đảm quyền được SĐVT, cụ thể:
– Thứ nhất, Luật sư cần phát huy vai trò trong việc khắc phục tư tưởng coi người bị buộc tội là người có tội:
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự đang tồn tại khuynh hướng “nhìn nhận người bị buộc tội như là người đã được coi là phạm tội dù lỗi của họ chưa được chứng minh”. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc xâm phạm quyền được SĐVT trong TTHS. Do đó, luật sư cần phát huy vai trò trong việc khắc phục tư tưởng, thói quen “suy đoán có tội” của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Có những vụ án trong thời gian gần đây được dư luận quan tâm trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, một số người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã suy đoán có tội, coi bị can, bị cáo là người đã có tội trong khi hành vi phạm tội của họ chưa được chứng minh, còn nhiều nghi ngờ, mâu thuẫn chưa được giải đáp.
Để khắc phục hạn chế này, luật sư cần nâng cao nhận thức, kỹ năng hành nghề, bám sát, theo dõi quá trình tố tụng của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời tiến hành nhiều biện pháp cần thiết, thường xuyên, liên tục nhằm góp phần kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự.
– Thứ hai, Luật sư cần phát huy vai trò trong việc khắc phục tình trạng tuân thủ không nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án:
Theo nội dung của quyền được SĐVT, một người chỉ bị kết tội và áp dụng hình phạt thông qua thủ tục tố tụng hình sự khách quan, công bằng. Bộ luật TTHS năm 2015 đưa ra yêu cầu: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.” (Điều 7) và “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định” (Điều 13).
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng không tuân thủ quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 còn xảy ra ảnh hưởng tới tính khách quan, công bằng của vụ án, xâm phạm tới quyền của người bị buộc tội. Các vi phạm này xảy ra ở tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và do người tiến hành tố tụng ở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,
– Thứ ba, Luật sư cần phát huy vai trò trong việc khắc phục tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục:
SĐVT đòi hỏi mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị buộc tội do không đủ căn cứ để kết tội theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì phải được kết luận họ không có tội bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án. Trên thực tế thường xảy ra những vi phạm sau:
+ Vi phạm trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ chứng minh tội phạm. Thực tiễn còn nhiều vi phạm với các biểu hiện như: (i) Thu thập những tài liệu không phản ánh tính khách quan của chứng cứ (là những dấu vết của tội phạm để lại bên ngoài thế giới khách quan) trái với quy định “Chứng cứ là những gì có thật” được quy định tại Điều 86 Bộ luật TTHS. Chẳng hạn, ở vụ án Hồ Duy Hải, Cơ quan điều tra đã sử dụng “con dao”, “cái thớt” đã mua ở chợ đưa vào để dùng làm căn cứ buộc tội trong suốt quá trình tố tụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Vi phạm Điều 89, 90 Bộ luật TTHS năm 2015 về vật chứng và bảo quản vật chứng); (ii) Vi phạm “trình tự, thủ tục” thu thập chứng cứ. Bộ luật TTHS năm 2015 không chỉ quy định chứng cứ là những gì có thật mà còn đòi hỏi phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định; (iii) Có quan điểm phiến diện, một chiều khi sử dụng lời khai của bị can, người làm chứng, … làm chứng cứ buộc tội. Bộ luật TTHS (từ Điều 91 đến Điều 97) quy định: Lời khai chỉ được coi là chứng cứ khi người có lời khai nói rõ được lý do họ biết được tình tiết vụ việc. Đồng thời, Điều 98 Bộ luật TTHS quy định “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
+ Không đủ chứng cứ kết tội người bị buộc tội phạm tội. Thực tiễn cho thấy, có những vụ án khi cơ quan tiến hành tố tụng không thu thập đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của người bị buộc tội phạm tội nhưng vẫn kết tội họ theo suy diễn chủ quan. Điều này đã vi phạm Điều 108 Bộ luật TTHS năm 2015 “Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”.
Chứng cứ đầu tiên là vật chứng để chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội. Tuy nhiên, quá trình thu thập vật chứng đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, các vật chứng chủ yếu được kết luận dùng để gây tội đã biến mất. Việc thu thập, xét nghiệm các dấu vết như máu, vân tay còn rất nhiều vấn đề.
Các loại thời gian, thời điểm của bị can, bị cáo, những người khác có liên quan, thời gian thời điểm bị hại tử vong, …là yếu tố cần thiết để buộc tội nhưng các yếu tố này có sự sai sót nghiêm trọng.
+ Khi vẫn còn nghi ngờ nhưng vẫn kết tội người bị buộc tội phạm tội.
Theo nội dung quyền được SĐVT, mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị buộc tội nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không phải lúc nào cũng được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm chỉnh.