Yêu cầu về hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu. Đánh giá tính hợp lý của yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Yêu cầu về hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu. Đánh giá tính hợp lý của yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi quý công ty/Luật sư. Xin phép được gửi Email này tới quý công ty/cơ quan được giải đáp thắc mắc liên quan tới yêu cầu của Hồ sơ mời thầu. Hiện tại, tôi đang tham gia đấu thầu gói thầu xây lắp. Trong hồ sơ mời thầu có yêu cầu về hợp đồng tương tự là đã có hợp đồng tương tự thực hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Vậy mong quý cơ quan giải đáp thắc mắc là yêu cầu như vậy có hợp lý không? Nếu không hợp lý thì theo quy định hiện hành tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi, và đúng trình tự? Xin chân thành cảm ơn, quý công ty/Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Trong Luật đấu thầu 2013 không có điều nào quy định về " Hợp đồng tương tự". Nhưng Tại Mục 7 Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT có quy định về việc xác định uy tín nhà thầu như sau:
Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó trong vòng…trở lại đây( Ghi theo số năm quy định về thực hiện hợp đồng tương tự). Đồng thời thỏa mãn không có hợp đồng tương tự nào chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu và có tối thiểu 01 hợp đồng tương tự trước đó vượt tiến độ hoặc có giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực liên quan đến gói thầu và không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng do lỗi của nhà thầu thì được đánh giá là ĐẠT. Trường hợp có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng tương tự do lõi của nhà thầu thì sẽ đánh giá là KHÔNG ĐẠT.
Hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm:
– Tương tự về bản chất và độ phức tạp: có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu này theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với các công việc đặc thù, có thể chỉ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.
– Tương tự về quy mô công việc: có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.
(02 công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, quy mô mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét thì được đánh giá là 01 hợp đồng xây lắp tương tự)
– Trường hợp yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ 02 hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu 01 hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.
Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị phần công việc xây lắp của hợp đồng trong khoảng 50%-70% giá trị phần công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà có thể yêu cầu tương tự về điều kiện hiện trường.
Không chấp nhận việc cộng gộp các hợp đồng có giá trị nhỏ với nhau (các hợp đồng có giá trị nhỏ hơn giá trị quy định) nhằm thỏa mãn yêu cầu tổng thể.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Tại điểm b, khoản 2 Điều 39 Luật đấu thầu 2013 có quy định phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có nhắc đến hợp đồng tương tự như sau:
" Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.”
Pháp luật không có quy định nào cụ thể về địa điểm thực hiện hợp đồng tương tự trước đó và pháp luật cũng không quy định tương tự trong hợp đồng là giống bao nhiêu phần trăm, sự tương tự này tùy thuộc vào quy định trong hồ sơ mời thầu cụ thể. Hợp đồng tương tự không nhất thiết phải có đồng thời hàng hóa tương tự và giá trị tương tự, Nhà thầu chỉ kê khai nội dung tương tự với yêu cầu của gói thầu.
Tại Điều 17 Luật đấu thầu 2013 có quy định như sau:
Điều 17. Các trường hợp hủy thầu
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
Do vậy, trong trường hợp nếu bên bạn có căn cứ cho rằng việc bên mời thầu yêu cầu về hợp đồng tương tự là đã có hợp đồng tương tự thực hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là không khách quan, công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì bên bạn có thể làm đơn gửi cho người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tiến hành hủy thầu. Đồng thời, bên mời thầu có vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử lý theo quy định trên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.