Trong các vụ việc dân sự, có một số người tham gia tố tụng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự tham gia tố tụng với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Một số trường hợp họ không có quyền lợi ích liên quan nhưng lại tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước…
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu của đương sự là gì?
Đương sự là cá nhân, pháp nhân tham gia tố tụng dân sự với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Các đương sự trong vụ việc dân sự có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự; người yêu cầu, người bị yêu cầu, người có liên quan trong việc dân sự.
Tại Điều 68 của
“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự
1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Vậy yêu cầu của đương sự sẽ là yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vụ án/ việc dân sự, đề nghị
Yêu cầu của đương sự là sự thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự. Yêu cầu của đương sự bao gồm yêu cầu về nội dung (yêu cầu trả nợ, yêu cầu phân chia thừa kế, yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, yêu cầu bồi thường thiệt hại, ….) hoặc là yêu cầu về hình thức (yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu điều tra, ….).
Yêu cầu của đương sự trong tiếng Anh được hiểu là Request of the litigant.
Đương sự thể hiện yêu cầu của mình bằng cách gửi trực tiếp đơn ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc trực tiếp đến trụ sở Tòa án để trình bày và được cán bộ Tòa án ghi nhận vào văn bản. Đương sự có thể đưa ra yêu cầu khi soạn thảo đơn khởi kiện, trong quá trình Tòa án chuẩn bị giải quyết vụ việc dân sự, trực tiếp tại phiên tòa khi đang xét xử hoặc phiên họp giải quyết việc dân sự. Sau khi đưa ra yêu cầu, đương sự có quyền thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc rút yêu cầu. Tòa án có nhiệm vụ xem xét, giải quyết các yêu cầu của đương sự theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về bác bỏ yêu cầu của đương sự:
Theo quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự hoặc việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được Tòa án thụ lý giải quyết. Việc yêu cầu của đương sự mà không đưa ra được căn cứ pháp lý, thiếu chứng cứ chứng minh thì Tòa án có thể bác yêu cầu của đương sự.
Theo quy định của pháp luật, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Do vậy, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Theo đó, Đối với nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
Còn bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án thì các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.
3. Quyền và nghĩa vụ của các đương sự:
3.1. Nguyên đơn:
Ngoài các quyền và nghĩa vụ chung của các đương sự quy định tại Điều 70 của BLTTDS năm 2015 thì nguyên đơn cũng được pháp luật ghi nhận các quyền và nghĩa vụ riêng quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Cụ thể nguyên đơn có quyền thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Pháp luật không ghi nhận quyền yêu cầu của nguyên đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTDS năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Trường hợp quyền yêu cầu độc lập này của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nghĩa vụ mà nguyên đơn phải thực hiện và nguyên đơn cũng có yêu cầu ngược lại với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì BLTTDS hiện hành chưa ghi nhận.
Rất nhiều vấn đề mà hiện nay luật chưa quy định để tạo cơ sở pháp lý về trường hợp yêu cầu của nguyên đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong cùng vụ án, gây khó khăn cho quá trình giải quyết và thực tế sự việc vẫn thường xuyên xảy ra hiện nay. Do vậy, kiến nghị pháp luật cần sửa đổi, bổ sung về quyền yêu cầu phản tố của nguyên đơn đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
3.2. Bị đơn:
Theo quy định tại Điều 72 BLTTDS năm 2015 trong một vụ án bị đơn có các quyền và nghĩa vụ sau:
“1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
Được Tòa án
Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.”
Theo quy định tại Điều này thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc đưa ra yêu cầu này có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định tại Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” và “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.” Quy định trên xác định bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong khi đó quy định tại Điều 72 Bộ luật này chỉ xác định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, hai quy định trên có sự mâu thuẫn và chưa quy định rõ ràng về quyền yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập, gây không ít khó khăn cho việc xác định và áp dụng pháp luật. Cho nên pháp luật cần có văn bản hướng dẫn, quy định thống nhất là bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
3.3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Theo quy định tại Điều 73 BLTTDS năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này hoặc nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của Bộ luật này. Quy định trên thể hiện trong một số trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng có quyền lợi hay nghĩa vụ như của nguyên đơn, bị đơn.
Tuy nhiên, xét trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn, bị đơn là chủ thể đặc biệt được pháp luật ghi nhận có quyền, nghĩa vụ đặc trưng so với những chủ thể tham gia tố tụng tụng khác. Do vậy, chỉ nguyên đơn, bị đơn mới được pháp luật trao cho các quyền và thực hiện các nghĩa vụ nhất định khi tham gia tố tụng. Còn việc người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bị đơn thì chỉ liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ nhất định trong vụ án dân sự.
Kết luận: Việc ghi nhận yêu cầu của đương sự nhằm mục đích đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, tuy nhiên cũng dựa trên quy định pháp luật mà chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của đương sự. Với những hạn chế, thiếu sót trong quy định của pháp luật dẫn đến việc áp dụng còn chưa thống nhất, một số nơi có cách hiểu sai và áp dụng không chính xác tinh thần của quy định. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật cho thống nhất.