Yêu cầu khi quyết định hình phạt tù có thời hạn: Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, Bảo đảm mục đích của hình phạt, Bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm, vẫn bảo đảm quyền con người.
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật:
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật. Pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định rõ các mức hình phạt trong từng khung hình phạt cho tất cả đối tượng phạm tội và các tội danh. Mọi tội phạm đều phải bị trừng trị theo pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà có những hình phạt tương xứng. Việc áp dụng các hình phạt phải bảo đảm đúng người, đúng tội, trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
QĐHP tù có thời hạn đúng thể hiện sự đúng đắn, hợp tình, hợp lý của các văn bản pháp luật hình sự trên thực tế. Qua đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng nhận thấy những bất cập, vướng mắc, thiếu sót của các quy phạm pháp luật hình sự để đưa ra các biện pháp áp dụng thống nhất các quy định của BLHS, từ đó thể hiện tính hiệu quả của thủ tục TTHS trong áp dụng pháp luật. Cho thấy trình tự tố tụng đã hợp lý, đáp ứng được nhu cầu trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử…
QĐHP tù có thời hạn bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật là bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hình sự, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ nhà nước pháp quyền XHCN ….
2. Bảo đảm mục đích của hình phạt:
QĐHP có căn cứ, đúng pháp luật, công bằng là tiền đề, điều kiện và là cơ sở pháp lý để đạt được mục đích của hình phạt, để đảm bảo và nâng cao hiệu quả của hình phạt, của TNHS. Điều 31 BLHS 2015 quy định về mục đích của hình phạt như sau:
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục học ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Hình phạt nói chung và QĐHP tù có thời hạn nói riêng nhằm bảo đảm mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt, không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Nội dung cơ bản của mục đích này chính là sự tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt:
Hình phạt trước hết thể hiện sự lên án, sự trừng phạt của Nhà nước, của xã hội đối với người phạm tội, đặc biệt là để răn đe bằng tác động cưỡng chế nhà nước; để giáo dục, cải tạo người bị kết án, ngăn ngừa họ phạm tội lại. Hình phạt cũng còn là biện pháp đặc biệt để hạn chế, loại trừ điều kiện phạm tội lại của người bị kết án.
Mức độ của việc tước bỏ và hạn chế những quyền và lợi ích hợp pháp của họ phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vào nhân thân người phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS (Điều 50 BLHS năm 2015). Bên cạnh đó, việc QĐHP đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ,
tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 83 BLHS năm 2015). Về nguyên tắc, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Do đó, tội phạm càng nguy hiểm thì hình phạt áp dụng đối với họ càng nghiêm khắc. Tuy nhiên, theo Luật hình sự Việt Nam, trừng trị không được coi là mục đích chủ yếu của hình phạt. Mục đích chủ yếu trong phòng ngừa riêng của hình phạt chính là giáo dục họ “…ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới” (Điều 31 BLHS năm 2015).
Trong mục đích phòng ngừa riêng, trừng trị và giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mới là hai mục đích song song tồn tại và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ có thể đạt được mục đích giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nếu hình phạt áp dụng đối với họ tương xứng với hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Việc Nhà nước trừng trị người phạm tội một cách công minh là nội dung chủ yếu và quan trọng tạo cơ sở cho cải tạo, giáo dục người phạm tội; ngược lại, giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội là phát huy tính tích cực của nội dung trừng trị. Như vậy, có thể nói rằng trong mối quan hệ giữa trừng trị và giáo dục của hình phạt thì “trừng trị là mục đích nhưng đồng thời cũng là phương tiện để đạt mục đích cuối cùng và chủ yếu của hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục, cải tạo họ”.
Đối với các thành viên khác trong xã hội, hình phạt có mục đích giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật cho họ, động viên, khuyến khích đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống tội phạm. Để đạt được mục đích phòng ngừa chung của hình phạt, vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, pháp lý, văn hoá, giáo dục… Trong đó, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân là biện pháp hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Mục đích phòng ngừa chung của hình phạt chỉ đạt kết quả tốt khi quần chúng nhân dân hiểu biết pháp luật, thấy được sự cần thiết của việc tuân thủ pháp luật cũng như ý nghĩa xã hội của hình phạt.
Mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung là hai mặt thống nhất của hình phạt. Chỉ coi trọng mặt này hay mặt kia đều có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc pháp chế khi QĐHP và làm cho mục đích của hình phạt bị triệt tiêu. Nếu quá coi trọng mặt trừng trị sẽ dẫn đến việc QĐHP quá nặng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án, làm mất đi những điều kiện thuận lợi để giáo dục họ. Ngược lại, nếu quá coi trọng mặt giáo dục thì sẽ dẫn đến việc QĐHP quá nhẹ không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Do đó hình phạt đã tuyên không tạo ra được sự tác động cần thiết để răn đe, ngăn ngừa và giáo dục công dân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời làm mất đi lòng tin của nhân dân đối với sự công bằng của pháp luật và uy tín của Nhà nước, không động viên được quần chúng tham gia tích cực phòng ngừa và chống tội phạm.
3. Bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm:
Mọi QĐHP nói chung và QĐHP tù có thời hạn nói riêng của HĐXX đều nhằm mục đích bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm. Việc xử phạt tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội để ngăn ngừa họ không còn tiếp tục đi theo con đường cũ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, là điều đáng lo ngại cho xã hội.
Người phạm tội bị xử phạt bằng bản án của
4. Bảo đảm quyền con người của người phạm tội:
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người phạm tội là một trong những mục đích hướng đến đầu tiên của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay khi QĐHP tù có thời hạn. Chăm lo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để con người phát triển là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta. Hình phạt tù có thời hạn buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định, bị hạn chế một số quyền như: Không được sử dụng tiền mặt, không được sử dụng điện thoại, mất đi những quyền cơ bản nhất của công dân, nơi chấp hành án tù không đảm bảo…Ngoài ra còn phải chịu áp lực từ xã hội, bạn bè, người thân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội khi họ ra tù.
Thực hiện chính sách hình sự hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa trong QĐHP tù cũng chính là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Chính vì vậy trong quá trình giải quyết vụ án, những người tiến hành tố tụng cần chú trọng đến quyền con người của các bị can, bị cáo như: Được đưa ra chứng cứ tài liệu, trình bày quan điểm, nhờ người bào chữa Chỉ khi đảm bảo được quyền con người của người phạm tội thì QĐHP tù có thời hạn mới đạt được tác dụng như mong muốn.
5. Góp phần giáo dục công dân tuân thủ pháp luật:
Ngoài mục đích trừng trị, răn đe người phạm tội, khi QĐHP tù có thời hạn cần đạt được yêu cầu về giáo dục công dân tuân thủ pháp luật, giáo dục người phạm tội ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Khi QĐHP tù công bằng, chính xác thì mục đích giáo dục cải tạo người phạm tội sẽ đạt được hiệu quả tốt đẹp nhất. Ngược lại, khi QĐHP tù quá nhẹ so với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm sẽ làm nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, dễ dàng tái phạm, người dân không còn tin tưởng vào Tòa án. Khi QĐHP tù quá nghiêm khắc so với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm sẽ làm nảy sinh tâm lý cho người bị kết án tiêu cực, bi quan vào tính công bằng của Tòa án, của các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến hậu quả là làm giảm ý nghĩa phòng ngừa tội phạm của hình phạt tù có thời hạn.
Khi QĐHP tù một cách chính xác sẽ tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Các tổ chức, cá nhân nhận thấy được sự công bằng của pháp luật từ đó tin tưởng vào sự đấu tranh phòng ngừa tội phạm, tin tưởng vào cơ quan xét xử là Tòa án, tạo ra hiệu ứng tích cực để toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm trên toàn lãnh thổ. Đây là bài học sâu sắc để công dân tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, nâng cao sự hiểu biết về ý thức chấp hành pháp luật.