Các biện pháp bảo đảm đầu tư? Cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo đảm đầu tư ở Việt Nam? Ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư?
Hoạt động đầu tư đang rất được quan tâm và coi trọng ở đất nước ta, các hoạt động này đã đem đến nguồn lợi lớn cho nền kinh tế của đất nước. Các biện pháp bảo đảm đầu tư trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và cũng là điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về các biện pháp bảo đảm đầu tư cũng như những ý nghĩa và cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư.
1. Các biện pháp bảo đảm đầu tư:
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được hiểu là những biện pháp được quy định nhằm mục đích để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tất cả các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện việc đầu tư. Các biện pháp bảo đảm đầu tư về bản chất chính là những cam kết từ phía nhà nước thực hiện việc tiếp nhận đầu tư với các chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà nước trong việc tiếp nhận đầu tư trước một số quyền lợi cụ thể của các nhà đầu tư.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư bao gồm:
– Thứ nhất: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản:
+ Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
+ Trong trường hợp Nhà nước thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thứ hai: Bảo đảm về chuyển lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài:
Sau khi các chủ thể thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển ra nước ngoài những tài sản như vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư
– Thứ ba: Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật:
Những thay đổi của pháp luật nước ta vẫn luôn có những tác động to lớn đến hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư. Chính bởi vì vậy mà các biện pháp bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật là vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam, cụ thể:
+ Trường hợp văn bản pháp luật mới được Nhà nước ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
+ Trong trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.
– Thứ tư: Bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh:
Pháp luật nước ta không buộc nhà đầu tư phải ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước; xuất nhập khẩu hàng hóa với tỷ lệ nhất định hay đặt trụ sở tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
– Thứ năm: Bảo đảm về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp trước hết là tôn trọng ý chí tự giải quyết của các bên. Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của tranh chấp và yêu cầu của các bên. Nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi hai bên đã bế tắc và có yêu cầu đến các cơ quan tài phán.
– Thứ sáu: Bảo lãnh của Chính phủ đối với một sổ dự án quan trọng.
Bên cạnh đó thì các nhà đầu tư trong và ngoài nước bên cạnh việc sử dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư được quy định trong pháp luật đầu tư Việt Nam cũng có thể sử dụng đồng thời các biện pháp ngăn ngừa, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro của riêng mình.
Ta có thể khẳng định các biện pháp bảo đảm đầu tư là một trong những nội dung rất quan trọng và không thể thiếu đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật đầu tư của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Cùng với các quy định về những biện pháp khuyến khích đầu tư, các quy định về biện pháp bảo đảm đầu tư trở thành công cụ pháp luật của nhà nước tiếp nhận đầu tư trong quá trình nỗ lực cải thiện, nâng cao khả năng thu hút của môi trường đầu tư. Các biện pháp bảo đảm đầu tư một mặt tạo nên sự an tâm cho nhà đầu tư khi có được những cam kết từ phía nhà nước sở tại về trách nhiệm của họ trong việc tạo lập một môi trường đầu tư an toàn. Không những thế thì các biện pháp bảo đảm đầu tư đã góp phần tạo ra một cơ hội đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư khi họ có những ưu đãi hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước tiếp nhận đầu tư.
2. Cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo đảm đầu tư ở Việt Nam:
Cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo đảm đầu tư ở Việt Nam được quy định như sau:
– Văn bản pháp luật trong nước:
Thu hút đầu tư là một trong những chính sách pháp luật quan trọng đối với đất nước vì vậy, các văn bản pháp luật của nước ta đã có quy định về vấn đề này từ khá sớm. Có thể tìm thấy những quy định về bảo đảm đầu tư trong các bản hiến pháp nước ta qua các thời kì.
Luật Đầu tư năm 2019 là văn bản pháp luật trực tiếp quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư.
Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam tại một số văn bản không trực tiếp điều chỉnh quan hệ đầu tư nhưng cũng chứa đựng các quy định mang tính tinh thần của các biện pháp bảo đảm đầu tư.
– Các điều ước quốc tế:
Việt Nam tham gia một số điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến đầu tư. Thông thường, các điều ước quốc tế này đặt ra những nguyên tắc chung về bảo đảm đầu tư, theo đó, các nước thành viên phải tuân thủ các nội dung của điều ước quốc tế đó. Khi Việt Nam tham gia điều ước quốc tế thì phải bổ sung vào quy định pháp luật trong nước các quy định sao cho phù hợp với nội dung của các điều ước đã tham gia. Vì vậy, điều ước quốc tế là một trong những căn cứ pháp lý để quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư.
Như vậy khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh các biện pháp bảo đảm đầu từ sẽ bao gồm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
3. Ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư:
Việc Nhà nước ta ban hành các cơ chế bảo đảm đầu tư đã thu hút được lượng đầu tư đông đảo vào Việt Nam kể cả vốn lẫn các dự án đầu tư. Xuất phát từ ý nghĩa về tầm quan trọng của các biện pháp bảo đảm đầu tư mà các biện pháp này có sức ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động đầu tư cả về số lượng và chất lượng của nước ta. Thông qua đó mà các chủ thể là nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước đều có thể yên tâm trong quá trình thành lập và triển khai dự án.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được ban hành về cơ bản đã làm tăng tính hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư, đồng thời tạo được sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam và rất phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư đã góp phần không nhỏ tạo ra môi trường đầu tư bình ổn thu hút đầu tư tăng cao. Xu hướng quốc tế hóa về đầu tư đã tạo ra những luồng đầu tư không chỉ giới hạn trong khuôn khổ biên giới một quốc gia. Các nhà đầu tư đã thực hiện những dự án đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau. Chính nhờ có sự ổn định trong quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư mà các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước mới có thể yên tâm đầu tư trong môi trường đầu tư không bị xáo trộn đến các vấn đề cơ bản liên quan đến những lợi ích trực tiếp của các nhà đầu tư.
Sự thay đổi một cách linh hoạt và đúng đắn của các biện pháp bảo đảm đầu tư đồng nghĩa với việc cải tạo môi trường đầu tư một cách tích cực; thông thoáng và hấp dẫn để đẩy nhanh tốc độ thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Các biện pháp bảo đảm đầu tư còn là cơ sở pháp lý để bảo đảm cho nhà đầu tư có một môi trường đầu tư tốt.
Trên thực tế thì khi nhà đầu tư được bảo đảm về quyền sở hữu tài sản hợp pháp thì họ sẽ được đặt trong môi trường cạnh tranh công bằng; lành mạnh và có hiệu quả. Các biện pháp đảm bảo đâu tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo lập niềm tin đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không những thế thì các biện pháp đảm bảo đầu tư còn định hướng đầu tư vào các lĩnh vực tạo cơ sở cho phát triển toàn bộ nền kinh tế; định hướng đầu tư vào phát triển các vùng dân tộc; miền núi; hải đảo; các vùng nông thôn và duyên hải gặp khó khăn; để thực hiện cơ cấu vùng lãnh thổ; giảm dần sự chênh lệch sự phát triển giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng, miền khác nhau của tổ quốc.
Ngoài ra, các biện pháp bảo đảm đầu tư được Nhà nước ban hành đã thể hiện thái độ đầy thiện chí cũng như những nỗ lực của nhà nước trong việc mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào và tìm kiếm lợi nhuận. Những quy định ưu đãi này sẽ tạo được niềm tin cũng như cảm giác an toàn khi đầu tư từ đó đã khiến cho các hoạt động đầu tư càng trở nên thông thoáng và phát triển hơn và hiệu quả đầu tư sẽ được nâng cao.
Như vậy, biện pháp bảo đảm đầu tư là cơ sở của hiệu quả đầu tư. Nếu không có những quy định về biện pháp bảo đảm đầu tư hợp lý, khoa học thì hoạt động đầu tư của các nhà đâu tư sẽ không thể có hiệu quả.