Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đòi hỏi cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, cán bộ, công chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai phải nắm bắt, am hiểu nội dung của pháp luật đất đai và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật đất đai và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng:
- 2 2. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất:
- 3 3. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần thực hiện quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng ta về đất đai nhằm phát huy tiềm năng của nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội:
- 4 4. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, sự hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai:
- 5 5. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hoạt động góp phần hoàn thiện pháp luật đất đai nói chung, pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng:
1. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật đất đai và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng:
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu của thi hành pháp luật, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua giảng dạy pháp luật ở các nhà trường, đặc biệt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai còn được thực hiện thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết tranh chấp đất đai ... Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Muốn thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đạt hiệu quả phải có cơ chế tổ chức thi hành pháp luật hữu hiệu nhằm đưa lĩnh vực pháp luật này vào cuộc sống, trong đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng là khâu không thể thiếu được. Ngược lại, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là một trong những hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hữu hiệu. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và dân chủ hóa đời sống xã hội, giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin pháp luật cho mọi đối tượng mà còn phải đáp ứng các nhu cầu hiểu biết đa dạng của từng người dân. Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật một cách cụ thể và thiết thực về đất đai, bởi lẽ, đất đai là một trong những điều kiện cần thiết duy trì sự sinh tồn của con người. Thông qua thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình mà pháp luật đất đai đi sâu vào nhận thức, tình cảm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng một cách sâu sắc, có sức thuyết phục hơn theo phương châm “trăm nghe không bằng một thấy “. Từ đó hình thành thói quen sống và phong cách làm việc theo pháp luật của mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó có cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất và các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai.
Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình trước hết đòi hỏi cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, cán bộ, công chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai phải nắm bắt, am hiểu nội dung của pháp luật đất đai và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Trên cơ sở đó, họ mới thi hành đúng pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình và biết được những việc nào được pháp luật cho phép làm, những việc làm nào bị pháp luật cấm. Hơn nữa, trong quá trình thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; vi phạm quyền, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, lợi ích Nhà nước và lợi ích chung của xã hội.
2. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất:
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không ít trường hợp xảy ra bất đồng, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa hai hay nhiều bên. Vấn đề cần bàn ở đây là khi một trong các bên trong quan hệ thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật dẫn đến làm phương hại quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bên kia. Ví dụ: lấn, chiếm quyền sử dụng đất của người khác, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người sử dụng đất thực hiện các quyền chủ thể của họ ... Trong những trường hợp như vậy đòi hỏi phải có hoạt động giải quyết tranh chấp, giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn trong thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa những người sử dụng đất với nhau; trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thì phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay các tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai, tùy theo tính chất của tranh chấp có thể được giải quyết bằng nhiều hình thức như tự thương lượng, hòa giải, giải quyết theo thủ tục hành chính bởi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, có thể giải quyết theo thủ tục tư pháp (thủ tục tố tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính). Qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ pháp luật đất đai, bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất.
3. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần thực hiện quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng ta về đất đai nhằm phát huy tiềm năng của nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội:
Đảng ta xác định đất đai là nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế– xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân. Đất đai, quyền sử dụng đất được xác định là tài sản có giá trị lớn. Tài sản đó có thể tham gia giao lưu dân sự. Với việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản đã góp phần hình thành thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản. Cá nhân, hộ gia đình theo chính sách, pháp luật đất đai sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận thừa kế quyền sử dụng đất có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất nói chung, có quyền chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật ... đã làm cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trong những năm qua trở thành những chủ thể quan trọng đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế một cách có hiệu quả. Nhiều cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không những đủ ăn, đủ mặc mà còn đã làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cuộc sống của số đông người dân, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn đã được cải thiện nhiều so với trước đây, con cái được học hành. Bộ mặt nông thôn được đổi mới theo chiều hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
4. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, sự hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai:
Thi hành pháp luật đất đai là một trong những lĩnh vực phức tạp khó khăn và chịu nhiều áp lực; do đất đai là vấn đề nhạy cảm vào có giá trị lớn. Thực tế cho thấy thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích của người sử dụng đất mà còn liên quan đến đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích chung của xã hội. Vì vậy đòi hỏi các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nói chung, của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nói riêng phải không ngừng ra sức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ; nắm vững pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng, có năng lực vận dụng vào quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý đất đai.
5. Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hoạt động góp phần hoàn thiện pháp luật đất đai nói chung, pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng:
Thực tiễn cho thấy một trong những yếu tố đảm bảo thực hiện có hiệu quả thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hệ thống pháp luật mà trước hết là pháp luật đất đai, pháp luật dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tố tụng hành chính phải đồng bộ, thống nhất. Hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất là điều kiện vật chất, tiền đề để thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng. Có nghĩa là nếu thiếu cơ sở pháp lý sẽ gây khó khăn cho thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Mặt khác, thông qua việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình kiểm chứng, nhận diện những quy định không phù hợp, lạc hậu so với sự phát triển đất nước hay phát hiện những “lỗ hổng”, “khoảng trống” của pháp luật. Điều này giúp Nhà nước sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời các quy định mới, phù hợp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, thông qua các hình thức thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đã góp phần tích cực vào xây dựng, hoàn thiện pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình ở nước ta.