Cơ sở thực tiễn và khoa học quy định về tội buôn bán hàng cấm. Ý nghĩa của việc quy định Tội buôn bán hàng cấm trong Luật hình sự.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở và ý nghĩa của việc quy định Tội buôn bán hàng cấm trong Luật hình sự:
Hoạt động buôn bán hàng cấm là một trong những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, hoạt động này cùng với tình hình tội phạm nói chung có chiều hướng ngày càng phát triển và tinh vi, khiến cho mất cân đối trên thị trường. Hành vi buôn bán hàng cấm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì nó xâm hại đến chế độ thống nhất quản lý về hàng cấm của Nhà nước và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, không cho phép lưu thông trên thị trường, như: các loại pháo nổ, thuốc lá sản xuất tại nước ngoài, các sản phẩm văn hoá phẩm đồi truỵ, mê tín dị đoan hoặc đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, …
Vấn nạn buôn bán hàng cấm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn do bị cạnh tranh không lành mạnh. Nếu như chúng ta không kịp thời ngăn chặn, những hành vi này sẽ gây lũng đoạn thị trường trong nước, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung, xâm hại đến nền kinh tế quốc dân.
Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh nhiều người đã vì nguồn lợi lớn lao có được từ việc buôn bán hàng cấm mà bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện chúng, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao, mà các biện pháp xử lý phi hình sự tỏ ra chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, cần phải phòng, chống bằng các biện pháp hình sự. Do đó, cần thiết phải quy định Tội buôn bán hàng cấm trong Luật hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng thực tiễn cuộc sống và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cùng với sự phát triển của đất nước, Bộ luật Hình sự nước ta lần đầu tiên được ban hành ngày 27/6/1985 đã pháp điển hóa các văn bản pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh chống tội phạm nói chung và Tội buôn bán hàng cấm nói riêng.
Tội buôn bán hàng cấm là tội phạm nguy hiểm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, có tác động tiêu cực tới nền kinh tế quốc dân, sự phát triển của xã hội cũng như tác động xấu đến sức khỏe, tính mạng con người. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi: lợi dụng thương mại điện tử để thành lập Website quảng cáo, kinh doanh qua mạng gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý … vv, đã và đang đe dọa gây mất ổn định nền kinh tế đất nước.
Việc quy định Tội buôn bán hàng cấm trong Luật hình sự có vai trò hết sức quan trọng, là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu của Nhà nước ta để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đó là chế độ quản lý điều hành toàn bộ nền kinh tế của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích của nhà nước, của các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích, tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng… được thể chế hóa trong quy định pháp luật của nhà nước.
2. Pháp luật về Tội buôn bán hàng cấm trong luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến trước năm 2015:
Từ những ngày đầu mới thành lập, mặc dù Chính phủ của chúng ta còn non trẻ nhưng đã quan tâm ngay tới việc chống lại hành vi buôn bán hàng cấm gây mất an ninh trật tự, trong đó chủ yếu tập trung vào những mặt hàng phục vụ nhu cầu cấp thiết của đời sống và vật lực cho cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Sắc lệnh số 50 ngày 09/10/1945 về cấm xuất cảng ngũ cốc, Sắc lệnh số 160 ngày 21/8/1946 cấm nhập cảng xe hơi, phụ tùng xe hơi, các máy móc và đồ vật bằng kim khí. Ngày 15/8/1951 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời số 116/TTg quy định các hình thức xử phạt những vi phạm Điều lệ về xuất nhập khẩu. Ngày 22/12/1952 Chính phủ ban hành Nghị định số 225 quy định tịch thu thuốc phiện tàng trữ hoặc vận chuyển buôn bán trái phép, phạt tiền từ 1 đến 5 lần trị giá hàng hóa, người vi phạm có thể bị truy tố trước
Sau khi miền Bắc được giải phóng, sau đó là thống nhất đất nước Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề ngăn chặn chống buôn lậu, đầu cơ, buôn bán hàng cấm bởi nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, đầu cơ càng ngày thêm phức tạp, khó khăn. Ngày 03/7/1966, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 118/TTg về tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu trong tình hình mới. Ngày 30/6/1982, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh chống đầu cơ, buôn lậu. Sau đó, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 46/HĐBT ngày 10/5/1983 quy định về xử lý hành chính đối với các hành vi đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.
Năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số 68/HĐBT ngày 25/4/1984 về việc chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Buôn lậu thời kỳ này được hiểu bao gồm các hành vi buôn bán hàng cấm, buôn bán trốn lậu thuế. Quan niệm này được định nghĩa trong Từ điển nghiệp vụ phổ thông Công an nhân dân: “Buôn bán hàng cấm là buôn bán lén lút trái phép những hàng hóa thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý”; Từ điển tiếng Việt năm 1992 giải thích: “buôn lậu là buôn bán trốn thuế hoặc hàng cấm”.
Như vậy, tội phạm về hàng cấm từ 1945 đến trước khi có
Bộ luật Hình sự Việt Nam đầu tiên được ban hành ngày 27/6/1985 đã pháp điển hóa các văn bản pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các cuộc đấu tranh chống tội phạm. Sự ra đời của BLHS là một bước tiến quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta. Khi BLHS này có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc sự nghiệp đổi mới bắt đầu. Sự thay đổi các mặt của đời sống xã hội, trong đó đổi mới về kinh tế giữ vai trò quan trọng không chỉ là cơ sở mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với sự thay đổi của pháp luật nói chung cũng như của Luật Hình sự nói riêng. BLHS năm 1985 với ý nghĩa là nguồn duy nhất trong đó quy định tội phạm và hình phạt được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm thời kỳ đó. BLHS đã góp phần nhận diện đúng bản chất, phân định rõ ranh giới giữa tội buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tạo điều kiện phát triển, phòng ngừa và đấu tranh đúng hướng, đúng đối tượng, có hiệu quả đối với các hoạt động tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm quy định tại Điều 166 của BLHS năm 1985 – thuộc các tội phạm về kinh tế. Cụ thể như sau:
1- Người nào buôn bán, tàng trữ các chất ma túy, ngoại tệ hoặc buôn bán kim khí quý, đá quý thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;
- c) Hàng phạm pháp có số lượng lớn; thu lợi bất chính lớn;
- d) Lợi dụng thiên tai hoặc chiến tranh;
đ) Tái phạm nguy hiểm
3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ mười năm đến hai mươi năm.
Theo quy định của BLHS năm 1985 thì nhà làm luật đã liệt kê các mặt hàng cấm buôn bán vào trong điều luật, bao gồm: ma túy, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý. Đối với hành vi buôn bán rượu, thuốc lá trái phép được quy định tại Điều 183 BLHS 1985 (tội buôn bán rượu, thuốc lá trái phép). Thời điểm này rượu hoặc thuốc lá nhập lậu chưa được xem là hàng hóa cấm kinh doanh. Hình phạt đối với Tội buôn bán hàng cấm được quy định trong BLHS năm 1985 chỉ có 01 loại hình phạt là tù có thời hạn (thấp nhất 06 tháng, cao nhất 20 năm). Quy định như vậy đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế tập trung, bao cấp.
Buôn bán hàng cấm xâm phạm sự độc quyền quản lý của Nhà nước đối với một số hàng hóa cấm tư nhân và các cơ quan, tổ chức không có chức năng buôn bán, kinh doanh. Trong thời gian này, Nhà nước cấm tư nhân và các cơ quan, tổ chức kinh doanh những mặt hàng như: thuốc phiện và hoạt chất thuốc phiện; vũ khí và một số quân trang, quân dụng; hiện vật thuộc di tích lịch sử, văn hóa và các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động; thuốc lá điếu của nước ngoài, ngoại tệ (theo Quyết định số 193-HĐBT ngày 23/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về kinh doanh thương mại và du lịch ở thị trường trong nước; Chỉ thị số 278/CT ngày 03/8/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường trong nước; Chỉ thị số 330/CT-HĐBT ngày 13/9/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường quản lý ngoại hối; Quyết định số 337/HĐBT ngày 25/10/1991 về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt). Tại Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20/11/1990 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ quy định: Lần đầu nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu nước ngoài với số lượng dưới 500 bao thì chưa coi là tội phạm nhưng phải bị xử lý hành chính. Trong trường hợp buôn bán thuốc lá ngoại với số lượng từ 500 bao trở lên hoặc dưới 500 bao nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc chống lại người thi hành công vụ thì bị xử lý hình sự. Nếu số lượng hàng hóa phạm pháp từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao thì coi là phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng lớn. Nếu số lượng hàng hóa phạm pháp từ 4.500 bao trở lên thì coi là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Buôn bán ngoại tệ với số lượng có giá trị từ 3 triệu đồng Việt Nam trở lên hoặc dưới 3 triệu đồng Việt Nam nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp thì bị xử lý về Tội buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, sau thời gian dài áp dụng trong thực tế, BLHS năm 1985 đã có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng trước yêu cầu đổi mới liên tục về kinh tế, văn hóa, xã hội. BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần: 28/12/1989, 12/8/1991, 22/12/1992 và 10/5/1997. Cho tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X đã thông qua BLHS năm 1999, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2000, thay thế BLHS năm 1985.
BLHS năm 1999 đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000. Đây là BLHS thay thế BLHS năm 1985. Với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật đòi hỏi phải xem xét, rà soát lại một cách toàn diện các tội phạm về kinh tế để có những sửa đổi bổ sung thích hợp cả về mặt dấu hiệu pháp lý cũng như chính sách xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới.
BLHS năm 1999 có nhắc tới hàng cấm đầy đủ với Tội sản xuất, vận chuyển, tàng trữ buôn bán hàng cấm như sau: “Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi”. Cắt nghĩa quy định thì hàng cấm được tạm hiểu là “hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính”. Nghị định 185/2013/NĐCP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có nêu: “Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng ở Việt Nam”. Tuy nhiên những quy định kia cũng chưa đi vào chi tiết và vẫn còn chung chung thiếu cụ thể.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm được quy định tài Điều 155 của BLHS năm 1999 cụ thể như sau:
- Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các Điều 153, 14, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp này quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;
- e) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm Điều 166 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hành vi buôn bán hoặc tàng trữ mà chưa quy định các hành vi sản xuất và vận chuyển hàng cấm. Thực tiễn xét xử đã cho thấy, hành vi sản xuất, vận chuyển hàng cấm cũng nguy hiểm không thua kém gì hành vi mua bán, tàng trữ hàng cấm, nên nhà làm luật đã bổ sung các hành vi này vào Điều 155
Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm bao gồm nhiều hành vi khác nhau, trong đó hành vi sản xuất và vận chuyển hàng cấm được coi là quy định mới so với Điều 166 Bộ luật hình sự năm 1985. Ngoài việc quy định thêm một số hành vi mới là hành vi phạm tội so với Điều 166 Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999 còn có những sửa đổi, bổ sung sau:
– Quy định tình tiết: “có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vừa là yếu tố định tội, vừa là dấu hiệu làm ranh giới giữa hành vi phạm tội với hành vi vi phạm hành chính.
– Quy định tình tiết: “Nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này” là để giới hạn việc áp dụng điều 155 và là dấu hiệu để phân biệt tội sản xuất,tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm với một số tội phạm khác trong BLHS mà đối tượng phạm tội cũng là các loại hàng hóa, vật dụng mà Nhà nước cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán.
– Ngoài những tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đã được quy định tại Điều 166 BLHS năm 1985, Điều 155 của BLHS năm 1999 còn quy định thêm một số tình tiết mới là yếu tố định khung hình phạt như: hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn; hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn. So với điều 166 của BLHS năm 1985, Điều 155 BLHS năm 1999 bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính; các mức phạt tù quy định trong từng khung hình phạt tại Điều 155 BLHS năm 1999 đều nhẹ hơn mức phạt quy định tại Điều 166 BLHS năm 1985. Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng điều luật.
Sự thay đổi có tính phát triển trên đây của luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1999 một mặt thể hiện sự hoàn thiện pháp luật hiện hành theo các chuẩn mực của khoa học luật hình sự, mặt khác cũng thể hiện sự vận động phù hợp với tình hình tội phạm. Sự thay đổi này tuy chưa thực sự đảm bảo tính đồng bộ nhưng là hướng phát triển đúng và tiếp tục được duy trì trong giai đoạn tiếp theo.