Bất cứ một quy định nào của pháp luật cũng đều mang trong nó những ý nghĩa nhất định. Việc quy định nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong BLTTHS cũng chứa đựng những ý nghĩa riêng của nó.
Bất cứ một quy định nào của pháp luật cũng đều mang trong nó những ý nghĩa nhất định. Trong pháp luật TTHS cũng vậy, việc quy định nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong BLTTHS cũng chứa đựng những ý nghĩa riêng của nó.
1. Ý nghĩa pháp lý.
Việc quy định một vụ án hình sự có thể được xét xử qua hai cấp là một bảo đảm pháp lý cần thiết cho việc xét xử của Tòa án được chính xác và đúng đắn. Bởi vì qua hai cấp xét xử như vậy những vấn đề thuộc nội dung vụ án sẽ một lần nữa được xem xét, phân tích, đánh giá kỹ càng, đấy đủ hơn. Trên cơ sở đó, các phán quyết của Tòa án đưa ra đảm bảo độ chính xác cao hơn. Việc quy định và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Viện kiểm sát, bị cáo, người tham gia tố tụng khác có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án thể hiện thái độ không đồng tình với việc xét xử của Tòa án theo quy định của pháp luật TTHS để vụ án được xét xử lại ở cấp phúc thẩm. Thông qua đó, chủ thể của quyền kháng cáo, kháng nghị có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình và trong nhiều trường hợp lợi ích của Nhà nước và xã hội cũng được đảm bảo.
Việc quy định về nguyên tắc hai cấp xét xử cũng như quy định về việc bản án, quyết định sở thẩm có thể bị sửa, bị hủy tại cấp phúc thẩm sẽ kịp thời sửa chữa những sai lầm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm mắc phải, góp phần nâng cao trách nhiệm của HĐXX sơ thẩm, giúp họ có thái độ thận trọng và có trách nhiệm hơn trước khi đưa ra phán quyết của mình. Thông qua hoạt động xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm kịp thời chỉ ra những sai lầm, thiếu sót mà Tòa án cấp sơ thẩm đã mắc phải, tự mình sửa chữa sai lầm, khắc phục thiếu sót hay đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm sửa chữa những sai lầm của mình. Đây cũng chính là một hình thức hướng dẫn áp dụng pháp luật có hiệu quả to lớn giữa Tòa án cấp phúc thẩm với Tòa án cấp sơ thẩm, nhờ đó mà chất lượng xét xử tại các cấp ngày càng được nâng cao.
Việc xét xử lại vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử sẽ giúp tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai lầm hay những vi phạm pháp luật trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và tòa án nói riêng. Từ đó, giúp tìm ra các giải pháp thích hợp để sửa chữa, khắc phục về lập pháp cũng như về hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng nhất là hoàn thiện tổ chức Tòa án, đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc hai cấp xét xử và yêu cầu cải cách tư pháp.
2. Ý nghĩa chính trị, xã hội
– Ý nghĩa chính trị.
Việc quy định và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền đối với việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo dân chủ, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội là sự thể hiện nhận thức khoa học về hoạt động xét xử của Tòa án phù hợp với nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin về nhận thức thế giới. Đó là nhận thức luôn có sự vận động và phát triển, không phải trong mọi trường hợp nhận thức của con người về một sự vật hiện tượng đã đắn ngay từ lần nhận thức đầu tiên. Việc quy định một vụ án hình sự có thể được xét xử ở hai cấp xét xử khác nhau là phù hợp với quy luật của nhận thức nhằm đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử. Quy định nguyên tắc hai cấp xét xử thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra các phán xét về số phận pháp lý, sinh mạng chính trị, quyền lợi của người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự và những người có liên quan là sự thể hiện rõ ràng nhất bản chất của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong đó, vấn đề tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân là một nội dung quan trọng của Nhà nước pháp quyền. Tòa án với nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp của nhà nước trong phạm vi hoạt động của mình phải xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “ Hơn bất kỳ một hoạt động nào của Nhà nước, hoạt động xét xử phản ánh trực tiếp và sâu sắc bản chất của Nhà nước, sai lầm của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án chính là sai lầm của Nhà nước. Vì thế, đòi hỏi xét xử phải chính xác, công minh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Đây cũng là một hình thức thực hiện pháp luật có hiệu quả chức năng giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc quy định và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp, một lĩnh vực mà từ xưa đến nay bất kỳ một quốc gia nào cũng phải thực hiện là vô cùng quan trọng. Việc quy định và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS cũng tạo điều kiện để các chủ thể tham gia tố tụng có thể trực tiếp bảo vệ quyền lợi của mình nhiều lần tại các phiên tòa xét xử khác nhau. Đồng thời với việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng, việc xét xử ở hai cấp cũng giúp họ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong vụ án để có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình. Việc quy định nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS với nội dung cơ bản là một vụ án hình sự có thể được xét xử và chỉ có thể xét xử ở hai cấp là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, giúp tránh được tình trạng vụ án bị xử ở quá nhiều cấp làm cho quá trình tố tụng kéo dài ảnh hưởng tới hiệu lực của bản án, quyết định nhất là các bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật
– Ý nghĩa xã hội.
Việc quy định và thực hiện nguyên tức hai cấp xét xử trong TTHS góp phần rất lớn vào việc đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng. Bởi lẽ, việc xét xử phải nhằm đến mục đích cao nhất là đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, tránh oan sai, đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trong TTHS. Do vậy, sẽ là không công bằng nếu như tước bỏ quyền được bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo, người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lý liên quan đến vụ án một lần nữa tại một phiên tòa xét xử khác, nếu như chưa thể có các điều kiện thực tế để khẳng định hay bảo đảm rằng phán quyết của lần xét xử đầu tiên là hoàn toàn chính xác. Với việc quy định và thực hiện nguyên tắc xét xử công khai ở cả cấp sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm, người dân có điều kiện biết rõ về hoạt động xét xử. Mặt khác, khi biết được kết quả xét xử phúc thẩm, thấy được sự đánh giá về tính đúng đắn hay không đúng đắn của cấp xét xử sơ thẩm, người dân mới thực hiện triệt để quyền giám sát hoạt động xét xử của Tòa án các cấp. Trên cơ sở đó mới có thái độ chính xác nhất về tính khách quan của hoạt động này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, lợi ích chung của xã hội, cộng đồng và lợi ích của Nhà nước.