Hành nghề dược là việc sử dụng trình độ chuyên môn của cá nhân để kinh doanh dược và hoạt động dược lâm sàng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm quy định về hành nghề, kinh doanh dược?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt vi phạm các quy định về hành nghề dược:
Căn cứ Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định về hành nghề dược, Điều này quy định xử phạt vi phạm các quy định về hành nghề dược như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt ở trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật.
+ Không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp đang có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong khoảng thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
+ Chưa hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong khoảng thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày mà có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
+ Thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác mà có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi chưa có sự đồng ý của người mua.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Giả mạo một trong những giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
+ Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong khoảng thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược theo các quy định của pháp luật.
+ Chịu trách nhiệm chuyên môn từ hai cơ sở kinh doanh dược trở lên hoặc ở tại hai địa điểm kinh doanh dược trở lên. Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Hành nghề dược không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi ở trong chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật. Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Cơ sở đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược không đáp ứng được điều kiện quy định của pháp luật.
+ Cơ sở tổ chức thi xét cấp chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng được điều kiện quy định của pháp luật.
+ Cho thuê, cho mượn hoặc cho những người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc phải nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để thực hiện hành nghề dược. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc phải nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
2. Xử phạt vi phạm các quy định về kinh doanh dược:
2.1. Xử phạt vi phạm quy định về cơ sở kinh doanh dược và điều kiện kinh doanh dược:
Căn cứ Điều 53 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về cơ sở kinh doanh dược và điều kiện kinh doanh dược, Điều này quy định xử phạt vi phạm quy định về cơ sở kinh doanh dược và điều kiện kinh doanh dược như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cơ sở tổ chức bán lẻ thuốc lưu động không đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung là phải đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong khoảng thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Cơ sở tổ chức bán lẻ thuốc lưu động không thông báo bằng văn bản đến Sở Y tế tại địa phương nơi mà dự kiến có hoạt động bán lẻ thuốc lưu động trước khi tổ chức bán lẻ thuốc lưu động.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đáp ứng một trong những quy định đối với cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc theo đúng quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong khoảng thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo giấy tờ ở trong hồ sơ công bố cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong khoảng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có các biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc sau đây:
+ Không đạt về tiêu chuẩn chất lượng;
+ Đã có văn bản thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Đã hết hạn dùng;
+ Không rõ về nguồn gốc, xuất xứ.
2.2. Xử phạt vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược:
Căn cứ Điều 54 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Điều này quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Làm giả, sửa chữa hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, giấy chứng nhận của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của các tổ chức, cá nhân trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong khoảng thời hạn 24 tháng.
– Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn hoặc cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để kinh doanh dược. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi vi phạm và buộc phải nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn 24 tháng.
2.3. Xử phạt vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược:
Căn cứ Điều 55 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, Điều này quy định xử phạt vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế, không thực hiện những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong trường hợp tạm dừng hoạt động thời gian từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động. Hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong khoảng thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng;
+ Không thông báo, không cập nhật danh sách những người có chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại ở cơ sở đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc là báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dược theo quy định của pháp luật;
+ Không niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam hoặc có niêm yết nhưng không đầy đủ, không đúng quy định, không rõ ràng gây ra nhầm lẫn cho khách hàng tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với các trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược hoặc phải giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở;
+ Không bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi của cơ sở bán lẻ thuốc, dược liệu theo đúng quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi của cơ sở theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP.