Hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố để làm nơi trông giữ xe, dựng biển quảng cáo, bán hàng ... diễn ra vô cùng phổ biến hiện nay. Vậy thì, mức xử phạt quán ăn vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh ăn uống được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt quán ăn vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh ăn uống:
1.1. Thực trạng chung về hiện tượng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè:
Thời gian gần đây, hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè diễn ra phổ biến. Lợi nhuận khổng lồ “một đồng vốn, bốn đồng lời” từ vỉa hè khiến người ta giành giật nhau từng centimet, thậm chí tuyến phố văn minh cũng bị “chia năm xẻ bảy” để phục vụ lợi ích của các hộ kinh doanh có mặt tiền trên phố. Chẳng biết từ khi nào mà vỉa hè và các lòng lề đường của nhiều con phố đã trở thành nơi kinh doanh và buôn bán hoặc sử dụng vào mục đích tìm kiếm lợi nhuận khác của nhiều chủ thể kinh doanh chứ không phải để dành cho người đi bộ. Vỉa hè và lòng lề đường bị tận dụng trái quy định của pháp luật, biến thành nơi để bàn ghế ăn uống và bày các hàng tập hóa như rau, củ, quả… lòng lề đường trở thành các điểm kinh doanh thu hút khách của các xe đẩy và hàng rong, cũng như biến thành nơi đỗ xe của nhiều người mua hàng khiến cho người đi bộ phải lưu thông dưới lòng lề đường tìm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Việc chiếm dụng trái phép vỉa hè và lòng đường là một trong những hành vi gây nên nhiều hậu quả đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của các tuyến đường giao thông như vậy ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, hệ thống rác thải sinh hoạt và sụt lún vỉa hè … Ngoài ra thì việc lấn chiếm vỉa hè và lòng lề đường để họp chợ còn có thể gây nên hiện tượng ách tắc giao thông trầm trọng đặc biệt là những giờ cao điểm. Việc đậu đỗ xe dưới lòng đường của các chủ thể để tiến hành mua bán kinh doanh gây mất an ninh an toàn giao thông và rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là hành vi này diễn ra trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, trên các đoạn đường quốc lộ, gần khu công nghiệp hoặc các điểm chợ tự phát … Ngoài ra thì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất mĩ quan đô thị.
1.2. Kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ năm 2019, có thể thấy, lòng lề đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, các hành vi sử dụng lòng lề đường với mục đích khác đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời theo Điều 35 của văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ năm 2019 quy định về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vỉa hè bao gồm:
– Hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
– Hành vi tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
– Hành vi thả rông súc vật trên đường bộ gây cản trở giao thông đường bộ;
– Hành vi phơi thóc, phơi lúa, phơi rơm rạ, phơi nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ cản trở các phương tiện đi lại;
– Hành vi đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ trái với quy định của pháp luật;
– Hành vi lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
– Hành vi che khuất biển báo hiệu hoặc đèn tín hiệu giao thông;
– Hành vi sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
– Hành vi khác gây cản trở giao thông khác trái với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Như vậy thì hành vi kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, khai thác lòng lề đường vào những mục đích thương mại cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở giao thông, thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, vì thế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
1.3. Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường:
Căn cứ theo quy định tại nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, thì mức xử phạt đối với hành vi hành vi kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được ghi nhận như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (áp dụng đối với cá nhân), và từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (áp dụng đối với tổ chức) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa trên lòng lề đường, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng;
– Hành vi phơi thóc, phơi lúa, phơi rơm, phơi rạ, phơi nông lâm hải sản trên đường bộ; hoặc hành vi tiến hành đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Thứ hai, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (áp dụng đối với cá nhân), từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Hành vi dựng các công trình, lều quán … để kinh doanh buôn bán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
– Hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố phục vụ cho mục đích thương mại cá nhân, như họp chợ, bày bán hàng hóa … hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông;
– Hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 mét vuông làm nơi trông, giữ xe;
– Hành vi chiếm dụng lòng đường dành cho phương tiện lưu thông hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 mét vuông làm nơi trông, giữ xe.
Như vậy, với mức xử phạt nêu trên, thì các hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán sẽ bị xử phạt thích đáng, góp phần hạn chế hành vi vi phạm nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường:
Căn cứ tại Điều 26 của Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, thì thẩm quyền xử phạt đối với hành vi buôn bán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề được quy định cụ thể như sau:
– Cảnh sát giao thông (tức là lực lượng trực tiếp tiến hành thụ lý điều tra các vụ tai nạn giao thông) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi các hành vi lấn chiếm lòng lề đường;
– Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động (cơ quan thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ trật tự xã hội), Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (sau đây gọi chung là Cảnh sát khác) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường;
– Trưởng Công an cấp xã (công chức cấp xã) trong quyền hạn của mình, được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng và họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;
– Thanh tra giao thông vận tải (là cơ quan của Sở Giao thông – Vận tải, thuộc hệ thống thanh tra giao thông vận tải), người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ;
– Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường (chủ thể thực hiện thanh tra chuyên ngành về môi trường để đưa ra và áp dụng xử phạt hành chính đối với các vi phạm bị phát hiện), người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định, đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định và đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
3. Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường:
Hiện nay, tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh trái phép trên toàn địa bàn các tỉnh thành phố vẫn tiếp diễn, gây nhiều ảnh hưởng cho cuộc sống của người dân do các hoạt động trên diễn ra đã lâu nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Điều này đặt ra thách thức cho chính quyền và các cơ quan chức năng, cần làm gì để những vấn đề nhức nhối đó không còn tái diễn. Đây thực sự là việc khó, đòi hỏi nỗ lực cao của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Từ những vấn đề về việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh trái phép các khu vực hiện nay, chúng ta cần kiên quyết thực hiện những biện pháp ngăn chặn, xử lí, lập lại trật tự đô thị cùng với việc thực hiện liên tục những đợt tuần tra, kiểm tra, xử phạt theo quy định của pháp luật để chấm dứt hẳn tình trạng trên, cụ thể như sau:
– Tăng cường công tác quản lý đô thị, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm các quy định để bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, quản lý chặt vỉa hè, lòng đường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tăng cường cơ chế tự quản trong quản lý đô thị để quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè một cách bền vững;
– Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm và có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên tái diễn để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Việc nâng cao hiểu biết của người dân về những quy định của pháp luật về việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng được đặt lên hàng đầu;
– Áp dụng công nghệ để bảo đảm an ninh, an toàn, tránh vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự giao thông trên các địa bàn phường, quận. Ngoài ra, tiến hành xây dựng, cải tạo, thêm các điểm bãi trông giữ xe tại các khu vực đô thị trung tâm có mật độ xây dựng lớn. Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, có quy hoạch đúng đắn, đồng thời tuyên truyền, nâng cao trình độ dân trí để người dân không tận dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kiếm kế sinh nhai hay kinh doanh buôn bán.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.