Các vấn đề liên quan đến việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Xử phạt khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, được Nhà nước đưa ra những quy định về việc xử lý. Hiện nay, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Dưới đây là bài phân tích về quy định xử phạt đối với các đối tượng thực hiện hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác:
1.1. Thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là việc sử dụng những thông tin không đúng sự thật nhằm hạ nhục uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.
– Hiện nay, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đang diễn ra hết sức phổ biến ở nước ta. Khi xảy ra xích mích, mâu thuẫn, các cá nhân thực hiện các hành vi bêu rếu, xúc phạm đối phương bằng những thông tin không đúng sự thật. Những ngôn từ mà họ đưa ra mang tính châm biếm cao, nhằm mục đích làm xấu hình ảnh của họ trong mắt mọi người xung quanh.
– Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, khi các trang thiết bị, công nghệ thông tin, các dự án, nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, quyền tự do ngôn luận của con người bị lạm dụng một cách quá đà. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội là việc lợi dụng sự phát triển của internet để đăng tải những thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật nhằm vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi này khiến uy tín của nạn nhân bị hạ thấp, ảnh hưởng đến công việc, học tập và đời sống xã hội của họ. Đây được xem là hành vi trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thực tế, có rất nhiều trường hợp xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội. Chỉ vì những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong đời sống thực tại, cá nhân vi phạm đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội với những nội dung mang tính chất phê phán, nói xấu, khiến mọi người xung quanh có cái nhìn tiêu cực về nạn nhân. Họ xem đây là hành động bình thường, là quyền tự do ngôn luận của họ. Thậm chí, có nhiều đối tượng đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và cuộc sống của họ.
– Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà các đối tượng vi phạm thực hiện nhằm mục đích sau:
+ Khi lên kế hoạch, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, người thực hiện hành vi đã có những khúc mắc, mâu thuẫn nhất định với nạn nhân. Do đó, mục đích lớn nhất mà các đối tượng này hướng đến khi thực hiện hành vi của mình là làm xấu hình ảnh của nạn nhân trong mắt mọi người xung quanh.
+ Xúc phạm danh dự nhân phẩm, danh dự của người khác thực chất là việc các cá nhân vi phạm sử dụng nguồn thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, hoặc nói quá so với sự thật, làm sai lệch thông tin, sự thật. Mục đích chính là bêu rếu, hạ thấp uy tín, danh dự của nạn nhân.
1.2. Hậu quả của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác:
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xúc phạm. Nó khiển cá nhân bị ảnh hưởng về tâm lý, khi chịu những lời chỉ trích từ việc mình không làm. Trong nhiều trường hợp, do chịu đả kích nặng nề, nhiều nạn nhân đã tìm đến phương án tiêu cực nhất, đó là tự tử. Điều này cho thấy, hệ lụy của hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội là rất lớn. Thậm chí, hành vi này còn ảnh hưởng đến uy tín người nhà nạn nhân, quyền con người không được đảm bảo.
– Một trong những quyền cơ bản trong nhóm quyền nhân thân của con người, là các cá nhân được bảo đảm về danh dự, uy tín. Vậy nên, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác xâm phạm trực tiếp đến các quy chuẩn đạo đức, xã hội được pháp luật bảo họ; nó xâm phạm nặng nề về quyền công dân.
– Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác còn gây ảnh hưởng nặng nề đến trật tự an toàn xã hội, cũng như công tác quản lý xã hội của Nhà nước. Bởi chức năng, nhiệm vụ chính của Nhà nước là quản lý đất nước, bảo vệ quyền lợi cho công dân. Mà hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là việc xâm phạm trực tiếp đến quyền công dân của mỗi cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc xâm phạm những quy định, đối tượng được pháp luật bảo hộ.
2. Xử phạt khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình:
– Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ là cách ứng xử giữa các cá nhân xảy ra mâu thuẫn với nhau, mà nó còn là hành vi của đối tượng vi phạm đối với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, dù đối tượng bị xúc phạm là ai, thì hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến những quan hệ được pháp luật bảo hộ trong
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình là những hành vi cụ thể như sau:
+ Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
– Pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của thành viên gia đình. Biện pháp xử lý với những hành vi này được quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình bị xử phạt như sau:
+ Đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
+ Các đối tượng vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định tại điều luật trên, người xúc phạm nhân phẩm, danh dự của thành viên trong gia đình sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng tùy trường hợp. Ngoài ra người vi phạm còn buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm như trên.
Có thể thấy, các biện pháp xử lý vi phạm, mức phạt mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe cao. Qua các biện pháp xử phạt này, Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý của mình trong việc xử phạt những đối tượng vi phạm. Các chế tài của Nhà nước giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người dân; đảm bảo những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Thông qua những biện pháp xử phạt này, những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình sẽ bị hạn chế. Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phát triển. Hơn hết, các biện pháp xử phạt này giúp quán triệt lại ý thức của người dân về trách nhiệm của mình với các thành viên trong gia đình; duy trì, phát triển giá trị hạnh phúc gia đình, cũng như các truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ bao đời: Các thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, tôn trọng và bảo vệ nhau.