Một số quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính? Xử phạt vận chuyển hành khách không có hợp đồng vận chuyển?
Trong bất cứ hoạt động nào của xã hội thì việc quy định về chế tài có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng để tăng cường pháp chế và đảm bảo các hoạt động của đời sống diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật. Việc quy định những hình thức xử phạt các hành vi vi phạm đem lại hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước. Trong lĩnh vực giao thông thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phổ biến và Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể về mức xử lý đối với các hành vi vi phạm. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về mức xử phạt hành vi vận chuyển hành khách không có hợp đồng vận chuyển theo quy định của pháp luật.
Luật sư
1. Một số quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính:
1.1. Xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Theo quy định của pháp luật, ta nhận thấy, xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động được bảo đảm thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế hành chính cụ thể mang tính chất quyền lực nhà nước phát sinh khi có các hành vi vi phạm hành chính xảy ra, điều này được biểu hiện ở việc áp dụng các chế tài hành chính do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật nước ta.
Như vậy, ta nhận thấy, xử phạt vi phạm hành chính là một hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền thông qua việc căn cứ vào các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, các chủ thể có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức hay các cá nhân có vi phạm hành chính.
1.2. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính:
Đối với mỗi một vi phạm hành chính thì các cá nhân hay tổ chức vi phạm đều sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính cụ thể sau đây:
– Thứ nhất: Cảnh cáo.
– Thứ hai: Phạt tiền.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây, cụ thể là:
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Không những thế, ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là:
– Các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo đỡ công trình xây dựng trái phép;
– Các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra.
– Các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện.
– Các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính buộc phải tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.
– Một số các biện pháp khác do chính phủ quy định.
Đối với người nước ngoài vi phạm hành chính còn có thể bị trục xuất.
– Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1.3. Đặc điểm xử phạt vi phạm hành chính:
Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính có đặc điểm sau đây:
– Xử phạt vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức khi các cá nhân, tổ chức đó có hành vi vi phạm hành chính theo quy định cùa pháp luật Việt Nam.
– Các hành vi vi phạm hành chính phải là hành vi trái pháp luật xâm hại các quy tắc quản lí nhà nước. Các hành vi trái pháp luật quản lí hành chính được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Sẽ không có vi phạm hành chính nếu không có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc này.
– Các hành vi vi phạm hành chính phải có lỗi. Đây là yếu tố quan trọng trong yếu tố xác định mặt chủ quan của hành vi, thể hiện ý chí của người thực hiện. Lỗi trong vi phạm hành chính được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
+ Lỗi cố ý thể hiện ở việc nhận thức của các chủ thể có hành vi có biết được tính chất nguy hại của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
+ Lỗi vô ý thể hiện ở việc chủ thể thực hiện hành vi không nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi đó mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hậu quả.
– Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
– Các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
– Mọi vi phạm hành chính cần phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay khi phát hiện. Việc xử lí vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng pháp luật.
– Một hành vi vi phạm hành chính thì chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện dựa trên các căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lí thích hợp.
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính và người bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền chứng minh bản thân mình không vi phạm hành chính.
– Ngoài ra, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm cao gấp hai lần mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm.
2. Xử phạt hành vi vận chuyển hành khách không có hợp đồng vận chuyển?
Đối với người trực tiếp điều khiển xe:
– Theo Điểm h khoản 5, Điểm a khoản 8 Điều 23
“h. Điều khiển xe ô tô vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách hoặc vận chuyển không đúng đối tượng theo quy định (đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc), không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định.”
Như vậy, người điều khiển phương tiện chở hành khách, chở người điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách hoặc vận chuyển không đúng đối tượng theo quy định (đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc), không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định thì sẽ bị áp dụng mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
– Ngoài ra, theo Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ngoài việc bị phạt tiền như trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đối với cá nhân, công ty, tổ chức đứng tên xe:
– Theo Điểm m Khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ áp dụng hình phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
“Sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch mà trên xe không có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách kèm theo, thiết bị để truy cập nội dung hợp đồng điện tử và danh sách hành khách theo quy định hoặc có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách, thiết bị để truy cập nhưng không bảo đảm yêu cầu theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách hoặc vận chuyển không đúng đối tượng theo quy định (đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc).”
– Ngoài việc bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thì các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.
– Ngoài ra, theo Điểm a, c Khoản 10 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nếu cá nhân kinh doanh vận tải là người trực tiếp điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.