Xử phạt hành vi thu phí chợ sai quy định. Không chấp hành đúng giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào các a/c công ty! Tôi ở Ninh Bình, tôi đang có một vấn đề cần được tư vấn để có hướng xử lý, giải quyết. Nội dung như sau: chúng tôi phát hiện một số nhân viên của ban quản lý chợ thu phí sai quy định. Thu tiền phí ngoài diện tích cho phép. Thu số tiền 5.000₫, không giao phiếu thu. Vậy xin luật Dương Gia cho tôi biết, biện pháp xử lý đối với hành vi trên. Áp dụng, điều khoản, quy định nào của nhà nước?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Thông tư 02/2014/TT – BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014
Thông tư 250/2016/TT – BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016
Nghị định 109/2013/NĐ – CP ngày 24 tháng 9 năm 2013
Nghị định 49/2016/NĐ – CP ngày 27 tháng 05 năm 2016
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn phát hiện một số nhân viên của Ban quản lý chợ thu phí sai quy định và thu tiền phí ngoài diện tích cho phép, không giao
Về vấn đề phí chợ, trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2014/TT – BTC thì phí chợ là một trong những khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến Thông tư 250/2016/TT- BTC không còn quy định phí chợ nằm trong danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, mà căn cứ theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí năm 2015 thì phí chợ được xác định chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Có thể thấy, mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành, phí chợ không được xác định là một khoản phí do Nhà nước quy định, tuy nhiên vẫn được xác định theo giá dịch vụ của Nhà nước, theo giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
Do vậy, trường hợp nhân viên ban quản lý chợ tự mình thực hiện việc thu phí chợ sai quy định, ngoài diện tích cho phép và không phù hợp bảng giá dịch vụ sử dụng do Nhà nước quy định thì trường hợp này, những nhân viên này đang có hành vi thu tiền dịch vụ không đúng với Bảng giá dịch vụ do Nhà nước quy định.
Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 109/2013/NĐ – CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ – CP của Chính Phủ. Cụ thể:
“Điều 8. Hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định, trừ các hành vi quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều này.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, trong trường hợp khó hoặc không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 109/2013/NĐ – CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ – CP được trích dẫn ở trên thì tùy vào mức độ vi phạm mà những nhân viên này sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính tương ứng. Mặc dù trong thông tin thể hiện những nhân viên này thu tiền phí, tiền sử dụng dịch vụ ngoài diện tích cho phép, với số tiền 5.000 đồng, không giao phiếu thu, nhưng không nói rõ, việc thu phí, thu giá dịch vụ ở chợ ở đây là thuộc khu vực nào, nên không thể xác định việc thu tiền sử dụng dịch vụ diện tích bán hàng ở chợ có phù hợp với Bảng giá của Nhà nước hay không. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, nên những người nhân viên này sẽ bị xử phạt với mức phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 109/2013/NĐ – CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ – CP được trích dẫn ở trên với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Trường hợp này, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để có sự xác định cụ thể.
Như vậy, hành vi thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (phí chợ) không phù hợp với mức thu theo Bảng giá dịch vụ do Nhà nước ban hành được xác định là hành vi trái quy định của pháp luật. Với hành vi này, người nhân viên thu tiền dịch vụ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.