Có thể thấy rằng, hiện nay những sai phạm trong ngành y tế luôn là vấn đề nhức nhối và là mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Có thể thấy rằng, hiện nay những sai phạm trong ngành y tế luôn là vấn đề nhức nhối và là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Bởi lẽ nó liên quan trực tiếp đến tính mạng sức khỏe của con người. Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được quy định trong Nghị định 96/2011/NĐ-CP và trong một số văn bản pháp luật có liên quan khác. Bài viết dưới đây xin đi vào tìm hiểu cụ thể về vấn đề Xử phạt hành chính đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật khám chữa bệnh năm 2009
– Nghị định 96/2011/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính về khám chữa bệnh
2. Đối tượng áp dụng
– Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
– Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú tại Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
3. Hình thức xử phạt
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là những hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lí nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm hành chính khi sử chữa, làm sai hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được quy định tại Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh trong danh mục các hành vi bị cấm. Cụ thể: khoản 10 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định:
“ Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kĩ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhắm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.”
Trường hợp tổ chức cá nhân có hành vi làm sai lệch hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân sẽ bị xử lí theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“a) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh;
b) Sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề;
c) Không tôn trọng quyền của người bệnh được quy định tại các điều 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
d) Lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh;
đ) Trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo hoặc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng;
e) Chỉ định điều trị, kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà ngôn ngữ đó chưa được đăng ký sử dụng hoặc người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch dịch sang tiếng Việt."
Như vậy, khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc sửa chữa, làm sai hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân sẽ bi xử lí vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 2 Điểu 5 của Nghị định 96/2011/NĐ-CP với mức phạt tiền là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
4. Lưu ý
Tuy nhiên khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong khung phạt tiền đã được quy định đối với hành vi đó.
Khi xử phạt bằng hình thức phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống thấp hơn nhưng không được giảm quá mức thấp nhất của khung tiền phạt; nều vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn nhưng không được quá mức cao nhất của khung tiền phạt.