Xử phạt đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ giám định. Các hình thức xử lý đối với vi phạm với kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
Xử phạt đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ giám định. Các hình thức xử lý đối với vi phạm kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
Điều 254 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng”.
Theo đó, giám định thương mại là hoạt động của bên thứ ba nhằm đánh giá tình trạng thực tế của đối tượng giám định theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nền tảng để thực hiện việc giám định là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố con người, cơ sở vật chất, công nghệ, phương pháp tạo nên sự đánh giá chuyên nghiệp. Có thể nói, không chỉ góp phần hạn chế rủi ro trong kinh doanh, “giám định” còn góp phần giúp các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nhằm bảo đảm một môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải tuân thủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ, thực hiện hoạt động kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 94 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, cụ thể:
– Đối với hành vi ủy quyền giám định hoặc ủy quyền lại việc giám định mà không có hợp đồng theo quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với hành vi cung cấp dịch vụ giám định ngoài lĩnh vực đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ khác được cấp, được xác nhận theo quy định: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Kinh doanh dịch vụ giám định không đảm bảo các điều kiện theo quy định;
+ Chỉ định giám định viên thực hiện dịch vụ giám định thương mại không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Sử dụng con dấu nghiệp vụ trên chứng thư giám định khi chưa đăng ký con dấu đó với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Thay đổi, bổ sung con dấu nghiệp vụ mà không đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Không nộp lại con dấu nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bị xóa đăng ký dấu nghiệp vụ;
+ Thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định hai hình thức xử phạt bổ sung áp dụng với các chủ thể thực hiện hành vi trên, đó là:
– Tịch thu tang vật đối với các hành vi:
+ Sử dụng con dấu nghiệp vụ trên chứng thư giám định khi chưa đăng ký con dấu đó với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Thay đổi, bổ sung con dấu nghiệp vụ mà không đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Không nộp lại con dấu nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bị xóa đăng ký dấu nghiệp vụ;
+ Thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.
– Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với các hành vi sau:
+ cung cấp dịch vụ giám định ngoài lĩnh vực đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ khác được cấp, được xác nhận theo quy định.
+ Kinh doanh dịch vụ giám định không đảm bảo các điều kiện theo quy định;
+ Chỉ định giám định viên thực hiện dịch vụ giám định thương mại không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
+ Sử dụng con dấu nghiệp vụ trên chứng thư giám định khi chưa đăng ký con dấu đó với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Thay đổi, bổ sung con dấu nghiệp vụ mà không đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức bị xử phạt theo một trong các hành vi vi phạm trên phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đó.