Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong đó có hành vi vi phạm về thuyền viên và người làm việc trên tàu cá đều bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Vậy mức xử phạt được áp dụng như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?
Mục lục bài viết
1. Xử lý vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
1.1. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Thuyền viên là những người làm việc thông qua tuyển dụng hoặc thuê mướn để thực hiện các công việc ở trên tàu biển. Những người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và đảm nhiệm chức danh theo quy định của pháp luật.
Người làm việc trên tàu cá là những người cũng có hoạt động làm việc ở trên tàu biển tuy nhiên họ không phải là những thuyền viên của tàu.
Khi các thuyền viên và những người làm việc trên tàu cá có các hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Căn cứ Điều 38 Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/07/2019 thì xử lý vi phạm đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá được quy định như sau:
– Trường hợp người làm việc trên tàu cá hoặc thuyền viên không mang theo các giấy tờ tùy thân sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 300.000 VND đến 500.000 VND.
Trường hợp sổ danh bạ thuyền viên trên tàu cá không ghi tên của thuyền viên đang tham gia làm việc trên tàu cá thì người đó sẽ áp dụng mức xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Áp dụng mức xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+Máy trưởng hoặc thuyền trưởng không có các văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, yêu cầu bắt buộc phải có đối với máy trưởng hoặc thuyền trưởng.
+Trên tàu cá không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định.
– Riêng đối với trường hợp không mua bảo hiểm cho các thuyền viên của tàu cá sẽ bị xử phạt tùy thuộc vào số lượng thuyền viên không được mua bảo hiểm cụ thể như sau:
+ Nếu dưới 3 thuyền viên làm việc trên tàu không được mua bảo hiểm thì chủ tàu sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng
+ Nếu từ 3 đến dưới 5 thuyền viên làm việc trên tàu cá không được mua bảo hiểm thì chủ tàu sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.
+ Nếu từ 5 đến dưới 10 thuyền viên làm việc trên tàu cá không được mua bảo hiểm thì chủ tàu sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
+ Nếu từ 10 thuyền viên trở lên làm việc trên tàu cá mà không được mua bảo hiểm thì chủ tàu sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.
1.2. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Căn cứ theo quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53 và Điều 54 của Nghị định 42/2019/NĐ-CP theo đó các chủ thể sau có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòngTrưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng
– Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng
– Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cấp tỉnh
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển
– Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển
– Tư lệnh Cảnh sát biển
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản
– Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục thủy sản có chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thủy sản
– Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Kiểm ngư viên
– Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng xử phạt
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng
– Cục trưởng Cục Kiểm ngư
Như vậy, tùy thuộc vào mức tiền xử phạt và nơi có hành vi vi phạm để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về thuyền viên và người làm việc trên tàu cá.
2. Điều kiện để làm thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Căn cứ khoản 1 Điều 74 Luật Thủy sản 2017 quy định về điều kiện đầu tiên để trở thành thuyền viên hoặc người làm việc trên tàu cá đó là.
Thứ nhất, người làm việc trên tàu cá và thuyền viên phải là công dân Việt Nam hoặc là người nước ngoài đã được cho phép làm việc trên tàu cá Việt Nam.
Thứ hai, người đó phải có các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu hoặc các giấy tờ thay thế khác theo quy định.
Thứ ba, người làm việc trên tàu cá và thuyền viên sẽ phải đáp ứng các điều kiện về sức khỏe cũng như về độ tuổi lao động.
Thứ tư, người làm việc trên tàu cá và thuyền viên phải có các văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định phù hợp với chức danh nghề nghiệp.
3. Quyền và nghĩa vụ của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
3.1. Quyền của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Các thuyền viên và người làm việc trên tàu cá sẽ có các quyền qheo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Thủy sản 2017 cụ thể như sau:
Thứ nhất, các thuyền viên và người làm việc trên tàu cá sẽ được hưởng các quyền lợi, chế độ lao động và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động khi làm việc ở trên các tàu cá.
Thứ hai, các thuyền viên và người làm việc trên tàu cá có quyền từ chối làm việc trên tàu cá đó nếu như có căn cứ cho thấy làm việc trên tàu đó không đảm bảo các quy định về an toàn cho người lao động.
Thứ ba, các thuyền viên và người làm việc trên tàu sẽ được bố trí làm việc phù hợp với vị trí, chức danh trên tàu cá.
3.2. Nghĩa vụ của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Bên cạnh các quyền và lợi ích của các thuyền viên và người làm việc trên tàu những người này đồng thời cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ sau đây:
Thứ nhất, phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có ký kết hoặc là thành viên của Điều ước quốc tế đó.
Thứ hai, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh của thuyền trưởng có ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn lao động cho mình và cho các thuyền viên hoặc người làm việc khác ở tên tàu cá, đồng thời có thể đối phó được với các sự cố bất chợt trên tàu cá.
Thứ ba, sẽ phải thực hiện việc thông báo ngay cho thuyền trưởng hoặc người trực ca trong tình huống phát hiện ra nguy hiểm trên tàu cá.
Thứ tư, tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật về lao động.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
– Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;
– Luật Thủy sản 2017.