Xây nhà nhầm. Xây nhà trên đất của người khác giờ phải làm thế nào? Có bắt buộc phải dỡ bỏ không?
Xây nhà nhầm. Xây nhà trên đất của người khác giờ phải làm thế nào? Có bắt buộc phải dỡ bỏ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2004 nhà em có mua 2 thửa đất liền kề nhau giáp 2 hai mặt đường. Đến năm 2008 nhà em xây nhà trên phần đất đó và có nhờ cán bộ địa chính đến đo đạc giao đất. Gia đình em đã sống ở đó ổn định cho đến nay, nhưng tháng trước UBND xã mời gia đình em cùng bên có liên quan đến để giải quyết việc xây nhà nhầm trên đất của người khác. Theo giải thích của cán bộ địa chính là trong phần đất xã giao cho gia đình em năm 2004 còn một lô đất của một hộ khác mà nhà xây năm 2008 nằm trọn trong lô đất đó. UBND xã có đề nghị nhà em đổi đất cho hộ liên kề. Tuy nhiên đất nhà em là đất giáp mặt đường ba em không đồng ý đổi, UBND xã nói không đồng ý đổi sẽ kiện gia đình em lên tòa về tội chiếm đoạt đất đai. Luật sư tư vấn giúp em, đối với trường hợp này nếu bị kiện gia đình em có bị phạt tiền hay không và hướng giải quyết vụ việc như thế nào cho đúng theo pháp luật?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định của “Luật đất đai 2013” thì UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã. Nên bạn cần xác định lại là UBND cấp xã cho thuê đất hay giao đất đối với lô đất này. Nếu UBND xã giao đất thì không đúng thẩm quyền và đất này bị thu hồi không đền bù.
Vì bạn không trình bày rõ nên không biết đất mà gia đình bạn mua đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế nào; nguồn gốc đất; nguyên nhân vì sao trong lô đất bạn mua, đã được đo đạc lại có đất của người khác… nên công ty chưa thể tư vấn hướng giải quyết cụ thể cho gia đình bạn được.
Trong trường hợp gia đình bạn biết rõ đất là của người khác nhưng vẫn cố tình sử dụng thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:
Điều 10. Lấn, chiếm đất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại Điều 173 Bộ luật hình sự 1999:
Điều 173. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ ba mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.