Hướng dẫn xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng? Các phương thức cơ bản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có?
Tham nhũng được biết đến là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Việc các chủ thể thực hiện việc phòng, chống tham nhũng hiện nay là một trong những công tác trọng tâm cần thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng cần xử lý tài sản tham nhũng theo đúng quy định pháp luật. Vậy, xử lý tài sản tham nhũng cũng như các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng:
Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP được ban hành và đã có hiệu lực từ ngày 15/01/2021, trong đó, hướng dẫn xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, chức vụ như sau:
– Sau khi thực hiện thụ lý vụ án,
– Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ thể là chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, cụ thể bao gồm:
+ Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.
+ Tiền, tài sản bị chiếm đoạt.
+ Của hối lộ.
+ Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
+ Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.
+ Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có.
+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
– Tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.
– Trong trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
Hiệu quả của hoạt động xử lý đối với các tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trên thực tế sẽ không chỉ bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực pháp luật mà nó cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả từ khi phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cần xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
2. Các phương thức thu hồi tài sản:
Hiện nay, ta nhận thấy, có 4 phương thức cơ bản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Cụ thể:
Theo phương thức thu hồi tài sản trên bản án hình sự này, sau khi có phán quyết của Tòa án đối với bị cáo phạm tội. Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có được thực hiện bằng việc ban hành và thực hiện quyết định thu hồi tài sản. Những chủ thể là những người thực thi pháp luật sẽ phải thu thập chứng cứ, tìm kiếm và bảo vệ tài sản, thực hiện truy tố đối với cá nhân hoặc pháp nhân và có được phán quyết của toà án. Sau khi có phán quyết, toà án có thể ban hành lệnh tịch thu tài sản.
Trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có đã được tẩu tán sang quốc gia khác, phương thức thu hồi tài sản sẽ dựa trên truy tố hình sự sẽ được thực hiện thông qua cơ chế hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Trong hợp tác quốc tế dù là theo tương trợ không chính thức và yêu cầu tương trợ tư pháp, cần phải được diễn ra trong suốt quá trình tìm kiếm và bảo vệ tài sản ở nền tài phán nước ngoài, cũng như trong giai đoạn thực thi lệnh cuối cùng về tịch thu tài sản. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện truy tố sẽ cần yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước có tài sản phạm tội.
Yêu cầu quốc gia có tài sản phạm tội phải công nhận trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định này; hoặc sẽ có trách nhiệm tự mình tiến hành thủ tục để xác nhận nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và, theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản tham nhũng cho quốc gia có yêu cầu (đã thực hiện phiên tòa hình sự trước đó).
Mục đích của việc truy tố và tịch thu hình sự thực chất đó chính là sự công nhận của xã hội về bản chất tội phạm hình sự của tham nhũng và trách nhiệm của người vi phạm. Thêm vào đó, các hình thức phạt tù, phạt tiền và tịch thu tài sản góp phần răn đe, ngăn ngừa các vi phạm tương tự sau này.
Hiện nay, số tiền thu hồi được trong các vụ án hình sự vẫn tương đối khiêm tốn so với số lượng tài sản bị đánh cắp, tham nhũng. Để nhằm mục đích có thể giải quyết những thách thức này, tư pháp một số nước đã phát triển các hình thức thu hồi tài sản khác, gồm thu hồi không dựa trên bản án hình sự và thu hồi thông qua quyết định hành chính.
– Thứ hai: Tịch thu không dựa trên bản án hình sự:
Nhằm mục đích chính đó là để có thể nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có, khắc phục những hạn chế của biện pháp thu hồi dựa trên truy tố hình sự (thường được gọi là thu hồi hình sự), một số quốc gia chọn biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có (đặc biệt với tội phạm tham nhũng) mà không cần dựa trên bản án hình sự hay gọi là thu hồi dân sự.
Tịch thu không dựa trên bản án hình sự sẽ không cần thông qua xét xử và bản án hình sự, mà chỉ tiến hành quy trình tịch thu.
Ưu điểm của biện pháp này vì hình thức tịch thu không dựa trên bản án hình sự không chỉ giúp tăng cường hiệu quả của công tác chống tham nhũng và rửa tiền mà còn hỗ trợ các quốc gia yêu cầu đã quyết định chuyển giao vụ án cho quốc gia được yêu cầu.
Việc thu hồi diễn ra trong một quy trình tố tụng riêng biệt cũng có ưu điểm ở sự độc lập và có thể được khởi tố bởi một toà án riêng, qua đó tránh được những tác động không cần thiết đối với một vụ kiện hình sự thông thường.
Tuy nhiên, vì nhiều nền tài phải không áp dụng phương thức tịch thu không dựa trên bản án hình sự nên quốc gia nào áp dụng phương thức này có thẻ gặp khó khăn khi cần đến sự tương trợ tư pháp nhằm hỗ trợ công tác điều tra và thực thi các lệnh tịch thu không dựa trên bản án hình sự.
– Thứ ba: Thu hồi tài sản thông qua phán quyết hành chính:
Các quốc gia sẽ có thể sử dụng đa dạng các biện pháp bồi thường mang tính chất hành chính, cụ thể bao gồm thu hồi thông qua quyết định hành chính không cần phán quyết tư pháp, phong tỏa tài sản theo lệnh của cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành pháp, hoặc thi hành quyết định hành chính tại tòa án bởi việc ban hành các quyết định thu hồi tài sản sau đó.
Tại nhiều quốc gia, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính sẽ không liên quan đến bất cứ quyết định buộc tội, thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc thậm trí quyết định tư pháp, mà Nhà nước đưa ra một cơ chế phi tư pháp để thu hồi tài sản. Biện pháp thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính này được tiến hành trên cơ sở thẩm quyền được trao cho các cơ quan nhà nước hoặc theo các thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật và thường được sử dụng để giải quyết các trường hợp thu hồi tài sản không mang tính chất tranh chấp.
Tại một số quốc gia áp dụng biện pháp thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính, luật hành chính được sử dụng như một cơ chế căn bản để thi hành các quy định về chống hối lộ và có thể dẫn đến các khoản tiền phạt lớn.
– Thứ tư: Thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự:
Theo phương thức thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự này, cơ quan nhà nước tìm cách thu hồi lại các tài sản do phạm tội mà có, tài sản tham nhũng có thể lựa chọn việc khởi kiện tại các tòa án dân sự trong nước hoặc ở nước ngoài. Các cơ quan này có thể khởi kiện đòi bồi thường dựa trên cơ sở hành vi sai trái, vi phạm hợp đồng, giàu lên bất chính, và những vấn đề khác. Kiện dân sự này là một dạng hành vi dân sự giữa hai cá nhân tại các tòa án, nguyên đơn khởi kiện về những thiệt hại bởi hành vi của bị đơn để yêu cầu được bồi thường tương xứng.
– Một số phương thức khác:
+ Thực hiện đánh thuế thu nhập và vào tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp:
Phương thức đánh thuế thu nhập và vào tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp này được áp dụng đối với một khối tài sản của công chức hay người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước mà không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản mình đang sở hữu. Khi đó, tài sản không giải trình được nguồn gốc đương nhiên được coi là có được từ việc nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hay đánh cắp và phải chịu thuế thu nhập đối với những thu nhập bất hợp pháp.
+ Hai là, lệnh phạt tiền và bồi thường trong xét xử hình sự:
Trong các vụ án hình sự, cơ quan toà án sẽ có thể ban hành lệnh yêu cầu bị đơn trả tiền phạt hoặc bồi thường cho nạn nhân hoặc cả hai. Những lệnh này có thể đi kèm theo lệnh tịch thu hoặc có thể thay cho lệnh tịch thu. Mặc dù các lệnh phạt tiền hay lệnh bồi thường có thể dễ đạt được hơn là thực hiện quy trình thủ tục riêng biệt nhằm mục đích để tịch thu, việc thi hành những lệnh này có lẽ là sẽ khó khăn hơn. Việc đảm bảo thi hành những lệnh này trên thực tế cũng sẽ có thể thông qua toà án dân sự với việc cưỡng chế thực hiện lệnh tịch thu đối với tài sản mà đã được tạm giữ trước đó. Ngoài ra, lượng tiền phạt có thể bị giới hạn.