Khi phát hiện những ổ dịch bệnh động vật trên cạn gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe và môi trường sống của người dân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý. Vậy, xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn được quy định thế nào? Nguyên tắc công bố dịch bệnh động vật trên cạn như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn được quy định như thế nào?
- 2 2. Nguyên tắc công bố dịch bệnh động vật trên cạn:
- 3 3. Điều kiện công bố dịch bệnh động và trên cạn:
- 4 4. Các nội dung trong công bố dịch bệnh động và trên cạn:
- 5 5. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công bố dịch bệnh động vật:
1. Xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn được quy định như thế nào?
Dịch bệnh động vật trên cạn là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm của động vật thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Những loại dịch bệnh nằm trong danh mục bệnh động vật phải công bố dịch thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa động vật và người.
Quá trình xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn phải diễn ra một cách nhanh chóng kịp thời hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có về người và tài sản. Tại điều 25 Luật Thú y 2015 khi phát hiện ổ dịch bệnh động vật trên cạn thì cần có những hướng xử lý như sau:
– Trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện các công việc sau đây:
+ Nhanh chóng tiến hành cách ly ngay động vật đang mắc bệnh và có dấu hiệu mắc bệnh tách biệt với những loài động vật khác và môi trường sống của con người;
+ Trong giai đoạn này sẽ không tiến hành giết mổ, mua bán hoặc vận chuyển động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra ngoài môi trường để tiêu thụ;
+ Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy bắt buộc với động vật mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết. Quá trình này phải theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải cung cấp thông tin chính xác không có sự giấu diếm về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã;
+ Khi xảy ra vấn đề này phải tiến hành chấp hành, yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Trách nhiệm của nhân viên thú y cấp xã:
+ Nhân viên thú y cấp xã có trình độ chuyên môn sẽ hướng dẫn chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện những nội dung theo quy định tại Khoản 1 của điều này;
+ Ngoài ra, quy định về phòng bệnh chống dịch bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh động vật, lấy mẫu bệnh phẩm phải được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;
+ Nhân viên thú y cấp xã nhanh chóng báo cáo tình hình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ dịch bệnh động vật gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân và môi trường sống.
– Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Khi tiếp nhận các thông tin về ổ dịch bệnh động và trên cạn thì cần phải tiến hành việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn của mình quản lý;
+ Chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách li động vật mắc bệnh và thống kê những loại động vật đang mắc bệnh, động vật có khả năng mẫn cảm với bệnh dịch động vật;
+ Tiến hành phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện để lấy mẫu phẩm phục vụ cho quá trình kiểm tra giám sát;
+ Đề ra phương án phòng bệnh thông qua tiêm vắc xin chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; trong một số trường hợp các ổ dịch bệnh động vật gây nguy hiểm lớn thì cần đưa ra quyết định và chỉ đạo tiêu hủy những loại động vật này; tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi giết mổ buôn bán động vật sản phẩm động vật;
+ Quá trình vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra ngoài thị trường tiêu thụ phải có sự kiểm soát quá trình này.
– Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Sau khi tiếp nhận các thông tin liên quan đến ổ dịch bệnh động và trên cạn thì nhanh chóng bố trí kinh phí để xử lý ổn dịch bệnh này;
+ Những cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện sẽ được Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các biện pháp để thông báo trên các phương tiện truyền thông của địa phương và hướng dẫn các biện pháp vệ sinh thú y trong chăn nuôi, trong hoạt động giết mổ vận chuyển kinh doanh động và sản phẩm động vật;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quy định tại khoản 3 của điều này.
– Vấn đề dịch bệnh động vật trên cạn còn nằm trong sự kiểm soát Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan này sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện xử lý ổ dịch bệnh động vật một cách nhanh chóng kịp thời và hiệu quả. Bố trí các khoản kinh phí hỗ trợ chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy.
2. Nguyên tắc công bố dịch bệnh động vật trên cạn:
Việc công bố dịch bệnh động vật trên cạn cũng phải đảm bảo những quy định cụ thể theo Khoản 1 Điều 26 Luật Thú y 2015 như sau:
– Quyết định công bố dịch bệnh động vật phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện đúng thẩm quyền và công khai chính xác kịp thời vấn đề này;
– Kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch bệnh động vật người có thẩm quyền trong lĩnh vực này trong thời hạn 24h phải ra quyết định về việc công bố dịch bệnh động vật.
3. Điều kiện công bố dịch bệnh động và trên cạn:
Không phải bất kỳ trường hợp nào xuất hiện những ổ dịch bệnh động vật trên cạn phải tiến hành ngay việc công bố dịch bệnh. Trên thực tế, cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Thú y năm 2015 thì mới tiến hành được công bố dịch bệnh động và trên cạn như sau:
– Thứ nhất: khi ổ dịch bệnh động vật phát tán trong môi trường nằm trong danh mục bệnh động vật phải công bố dịch xảy ra và có chiều hướng lây lan rất nhanh chóng trên diện rộng hoặc có sự phát hiện thêm các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới từ mầm dịch cũ;
– Quá trình đánh giá ổ dịch động vật có thuộc danh mục bệnh động vật hay không thì phải thông qua kết luận, chẩn đoán xác định là bệnh thuộc danh mục này, hoặc các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới của cơ quan có thẩm quyền chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật.
4. Các nội dung trong công bố dịch bệnh động và trên cạn:
Bản công bố dịch bệnh động vật trên cạn phải đảm bảo những nội dung quy định theo Khoản 3 Điều 26 Luật Thú y 2015:
Thứ nhất, liên quan đến tên dịch bệnh động vật và tên tác nhân bệnh truyền nhiễm mới phải ghi rõ ràng chính xác; phải ghi rõ các loài động vật đang mắc bệnh;
– Thứ hai, về thời điểm xảy ra dịch bệnh động vật cũng phải được ghi nhận trong bản công bố này hoặc thời gian phát hiện ra tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;
– Thứ ba, những địa phương, địa điểm xuất hiện vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng đệm cũng phải được liệt kê;
Như vậy, bản công bố dịch bệnh không chỉ thể hiện những nội dung cơ bản về tên loại dịch bệnh, thời gian và các địa điểm xuất hiện dịch bệnh mà còn đề xuất thêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật cho cơ quan cấp trên cũng như những hộ dân biết về vấn đề này.
5. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công bố dịch bệnh động vật:
Khi xuất hiện ổ dịch bệnh động vật trên cạn không phải cơ quan tổ chức nào cũng có thẩm quyền công bố những loại dịch bệnh này. Theo Khoản 4 Điều 26 Luật Thú y 2015 quy định về thẩm quyền công bố dịch bệnh động và trên cạn được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Thông qua sự đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện sẽ ra quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ những điều kiện quy định tại Khoản 2 của điều này, phạm vi xảy ra dịch bệnh này trong sự quản lý của huyện;
– Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Căn cứ đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đưa ra quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ những điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này. Dịch bệnh này xảy ra từ hai huyện trở lên trong phạm vi tỉnh sẽ nằm trong thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn dựa vào sự đề nghị của Cục thú y đưa ra quyết định công bố dịch bệnh động vật khi đảm bảo những điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này và dịch bệnh này phát tán xảy ra với phạm vi từ hai tỉnh trở lên;
Cơ quan này cũng là nơi kiểm tra đôn đốc giám sát việc công bố dịch của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp ban hành;
Như vậy, với vấn đề về việc công bố ổ dịch bệnh động vật trên cạn thì Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cao hơn đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thẩm quyền nhận xét đánh giá và đưa ra quyết định giải quyết vấn đề này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thú y năm 2015