Người điều khiển xe cố ý tông vào cảnh sát giao thông không chỉ là một hành động gây nguy hiểm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vậy người có hành vi tông xe vào cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Mục lục bài viết
1. Người điều khiển xe cố tình tông vào cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi cố ý tông xe vào cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 như sau:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Dùng axit hoặc hóa chất nguy hiểm;
+ Dùng vật liệu nổ, vũ khí, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai, người dưới 16 tuổi, người khác không có khả năng tự vệ, người già yếu, ốm đau;
+ Có tổ chức;
+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
+ Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dò được thuê;
+ Có tính chất côn đồ;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
– Phạt tù từ 02 năm đến 06 năm đối với người phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc thương tích cho từ 02 người trở lên, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người nằm trong khoảng từ 11% đến 30%;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc gây thương tích cho người khác, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ nằm trong khoảng từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm trên.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người có hành vi sau:
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc thương tích cho từ 02 người trở lên, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người nằm trong khoảng từ 31% đến 60%;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc gây thương tích cho người khác, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc gây thương tích cho người khác, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ nằm trong khoảng từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm trên;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc thương tích cho từ 02 người trở lên, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người nằm trong khoảng từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm trên.
– Phạt tù từ 07 năm đến 14 năm nếu người phạm tội thuộc 1 trong những trường hợp sau đây:
+ Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm chết người;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc gây thương tích cho người khác, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% trở lên;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc gây thương tích cho người khác, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm trên;
+ Gây tổn hại sức khoẻ hoặc thương tích cho từ 02 người trở lên, trong đó tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người nằm trong khoảng từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm trên.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Theo đó người nào thực hiện hành vi cố tình tông xe vào cảnh sát giao thông thuộc trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, khung hình phạt đối với hành vi này sẽ khác nhau.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi cố ý tông vào cảnh sát giao thông?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định trong Bộ luật Dân sự, theo đó, người nào có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại cho người đó thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Quy định về bồi thường do sự khỏe bị xâm phạm được quy định cụ thể tại điều 590 Bộ luật dân sự 2015 được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTPnhư sau:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí cần thiết và hợp lý để chi trả cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, và phục hồi sức khỏe cũng như chức năng bị mất hoặc giảm sút của người bị tổn thương. Cụ thể, đây có thể bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở y tế… được căn cứ vào các chi phí thực tế của các cơ sở y tế.
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại có thể được xem xét. Tuy nhiên, trong các trường hợp khi thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định hoặc không thể xác định được thì sẽ áp dụng mức thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Nếu không xác định được mức lương của 3 tháng liền kề thì dựa vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
– Chi phí hợp lý cùng với phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong quá trình điều trị cũng cần được xem xét. Trong trường hợp người bị thiệt hại không còn khả năng lao động và cần sự chăm sóc thường xuyên, thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý để chăm sóc người bị tổn thương.;
– Thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Như vậy, việc người điều khiển xe cố tình tông vào cảnh sát giao thông, ngoại trừ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế đã gây ra.
3. Cảnh sát giao thông không được làm gì khi yêu cầu dừng xe?
– Không được tuỳ tiện yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe. Cảnh sát giao thông chỉ được phép dừng xe người đi đường khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thuộc 1 trong 4 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA.
– Không được rút chìa khoá xe của người vi phạm. Đối chiếu với quyền hạn của cảnh sát giao thông trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông được quy định tại Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA có thể thấy, việc rút chìa khóa xe của người tham gia giao thông không thuộc quyền hạn của lực lượng cảnh sát giao thông.
– Không được tự ý khám người và phương tiện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA về các nội dung mà cảnh sát giao thông được kiểm tra khi dừng xe người tham gia giao thông, cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, kiểm tra các điều kiện về hình thức của phương tiện nhưng không được tùy tiện khám người, phương tiện. Theo khoản 1 Điều 127 và khoản 1 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020, chỉ được phép tiến hành việc khám người, khám phương tiện khi có căn cứ cho rằng:
+ Người đó cất giấu trong người tài liệu, đồ vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
+ Trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
– Không được nhận tiền của người vi phạm. Khi xử lý vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; bao che, dung túng, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
+ Nếu vi phạm quy định này mà bị phát hiện, cảnh sát giao thông đã nhận tiền của người vi phạm giao thông có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
+ Trường hợp duy nhất CSGT được nhận tiền từ người vi phạm là khi thu tiền phạt tại chỗ đối với các lỗi vi phạm có mức phạt tiền từ 250.000 đồng trở xuống đối với cá nhân hoặc từ 500.000 đồng trở xuống đối với tổ chức.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017;
– Bộ luật dân sự 2015;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ;
– Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020.
THAM KHẢO THÊM: