Một trong những nội dung quan trọng của quá trình kế toán doanh nghiệp là hoạt động kiểm tra việc sử dụng hóa đơn. Hiện tượng phổ biến nhất đó là có thể gặp phải trường hợp hóa đơn của một công ty bỏ trốn, giải thể, ngừng hoạt động ... Vậy sẽ phải xử lý như thế nào đối với hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động?
Mục lục bài viết
1. Xử lý hoá đơn doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động:
Cách thức xử lý hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động được thực hiện như sau:
Bước 1: Cần phải xác định thời điểm mua hóa đơn. Để có thể xử lý các loại hóa đơn mua của doanh nghiệp bỏ trốn, các doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp ngưng hoạt động trên thực tế thì kế toán doanh nghiệp cần phải xác định thời điểm mua hóa đơn. Trong trường hợp nếu phát sinh hóa đơn sau khi doanh nghiệp đã bỏ trốn, doanh nghiệp đó sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định của pháp luật, đồng thời đây được xem là quan phí không hợp pháp trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp nếu nhận thấy phát sinh hóa đơn trước khi doanh nghiệp đó bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động, thì cơ quan thuế cần phải kiểm tra một số nội dung có liên quan như: Hai bên đã từng có hoạt động trao đổi mua bán trên thực tiễn hay không, các thủ tục thực hiện hoạt động trao đổi mua bán như thế nào, chứng từ kế toán có thực hiện đầy đủ hay không, doanh nghiệp mua bán hóa đơn khống hay không, có thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hóa đơn chứng từ hay không … Và trên cơ sở đó, sẽ phát hiện ra những vi phạm và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Sau khi cơ quan thuế đưa ra kết luận cuối cùng, doanh nghiệp sẽ được quyền khấu trừ thuế giá trị gia tăng và tính vào chi phí hợp lý trong quá trình tính thuế thu nhập cá nhân.
Bước 2: Xử lý hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn, ngưng hoạt động. Cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
– Trong trường hợp các doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế trong trường hợp này cần phải thông báo văn bản gửi tới các doanh nghiệp không thực hiện thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng đối với các loại hóa đơn nhận thấy có dấu hiệu vi phạm. Doanh nghiệp chỉ tiến hành hoạt động kê khai đối với hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm cho đến khi có quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp này doanh nghiệp căn cứ vào thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế để có thể điều chỉnh sao cho phù hợp. Nếu doanh nghiệp khẳng định doanh nghiệp đó hoàn toàn kê khai đúng theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp bắt buộc phải có cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mà mình đã cam kết;
– Tiến hành hoạt động kiểm tra, ra soát, đối chiếu và xác minh. Trong quá trình kiểm tra và xác minh quan hệ doanh nghiệp khi ký kết, mua bán với doanh nghiệp bỏ trốn, kế toán cần phải lưu ý một số vấn đề như sau: Kiểm tra và xác minh hàng hóa mua bán, hợp đồng mua bán, hình thức giao nhận, địa điểm giao nhận, chi phí vận chuyển, chủ sở hữu hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa trước khi giao nhận, phương tiện vận chuyển hàng hóa, kiểm tra hoạt động xác minh thanh toán, kiểm tra ngân hàng giao dịch, đối tượng nộp tiền vào tài khoản giao dịch, số lần thực hiện giao dịch, hình thức giao dịch, chứng từ thanh toán, tờ khai hải quan có xác nhận của các cơ quan hải quan, chứng từ thanh toán thông qua ngân hàng, vận đơn … Sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra xác minh, nhận thấy việc mua bán hàng hóa là có thật trên thực tế và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, doanh nghiệp đó sẽ được giải quyết khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết nếu phát hiện ra các sai phạm trong thành phần hồ sơ và tài liệu mà doanh nghiệp đã xuất trình cho các cơ quan thuế, doanh nghiệp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai phạm đó. Nếu phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm hoặc dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế thì cần phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hoạt động tạm dừng khấu trừ thuế làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp của các doanh nghiệp, cơ quan thuế cần phải có nghĩa vụ tổng hợp và theo dõi, chưa yêu cầu nộp thuế và chưa tính phạt nộp chậm, cần phải chờ đợi kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Những trường hợp bị coi là sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về vấn đề sử dụng hóa đơn, sử dụng chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn và chứng từ. Theo đó, sử dụng hóa đơn và chứng từ thuộc một trong những trường hợp sau đây thì sẽ bị coi là hành vi sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn và chứng từ. Bao gồm:
– Hóa đơn và chứng từ không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật, hóa đơn có hành vi bị tại xóa hoặc sửa chữa không đúng quy định của pháp luật;
– Hóa đơn và chứng từ khống (tức là các loại hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ trong lĩnh vực kinh tế tuy nhiên việc mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ không có thật một phần hoặc không có thật toàn bộ), hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh trong quá trình lập hóa đơn, hoặc có hành vi lập hóa đơn khủng, lập hóa đơn giả;
– Hóa đơn có sự chênh lệch nhất định về giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp, hoặc hóa đơn có sự sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
– Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển các loại hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc sử dụng hóa đơn của các loại hàng hóa dịch vụ này để chứng minh cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác;
– Sử dụng hóa đơn, chứng từ của các tổ chức và cá nhân khác nhằm mục đích hợp thức hóa hàng hóa và dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa và dịch vụ bán ra (ngoại trừ trường hợp hóa đơn của các cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn hợp pháp);
– Hóa đơn và chứng từ được cơ quan thuế hoặc được cơ quan công an hoặc được các cơ quan có thẩm quyền khác đưa ra kết luận về việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ đó.
3. Làm thế nào để xác định doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động?
Để có thể phát hiện đối tác có phải là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động kinh doanh trên thực tế hay không, bộ phận kế toán có thể thực hiện một trong những phương án như sau:
– Cập nhật thông báo về danh sách các doanh nghiệp bỏ trốn, danh sách các doanh nghiệp ngưng hoạt động của các cơ quan thuế. Bộ phận kế toán hoàn toàn có thể tự tra cứu danh sách và nhập mã số thuế để có thể tìm kiếm các thông tin liên quan tới các doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp ngưng hoạt động kinh doanh;
– Doanh nghiệp có thể tự mình xác minh thông tin khi có nghi ngờ đối tác là các doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, người hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách trực tiếp đến địa điểm kinh doanh của các đối tác đó hoặc yêu cầu các đối tác xác minh.
Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là một trong những phương án có tính chất tương đối. Cơ quan thuế sẽ chỉ thông báo danh sách khi các doanh nghiệp đã thực sự bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngưng hoạt động sau một khoảng thời gian nhất định. Nếu tự tìm hiểu về các vấn đề này thì chắc hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian, trong trường hợp tự mình xác minh địa điểm kinh doanh của công ty thì cũng sẽ có thể gặp phải nhiều khó khăn do khoảng cách địa lý. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên hợp tác và mua bán hàng hóa với những công ty có uy tín. Cần phải ưu tiên những công ty mà mình đã biết trước và đã từng hợp tác. Cần phải tìm hiểu kỹ tất cả các thông tin về nhà cung cấp để tránh những rắc rối gặp phải trong quá trình mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới quy trình quản lý thuế tại doanh nghiệp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Công văn 928/TCT-PC của Tổng cục Thuế về việc báo cáo rà soát, đánh giá 03 năm thi hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
THAM KHẢO THÊM: